Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:26:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những mẩu chuyện kháng chiến  (Đọc 182416 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:44:53 pm »

TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Ấm áp tấm lòng anh Nghĩa

 Ai đã từng sống những năm kháng chiến chống Pháp ở “Thủ đô” Việt Bắc, hẳn không bao giờ quên mùa đông lạnh giá của An toàn khu. Mùa đông 1950, trời cực rét. Tôi có chiếc áo len cộc tay thì đã chuyển cho ban vận động “Mùa đông binh sĩ” để gửi ra tiền tuyến. Để đỡ rét, tôi nảy ra sáng kiến lấy cái quần nâu quấn cổ, để hai ống quần buông ra trước ngực và ngồi làm việc.

 Bất thần, anh Trần Đại Nghĩa đến và đi thẳng vào chỗ tôi để giao việc. Anh vừa nói vừa bật cười nhìn hai ống quần buông trước ngực. Tôi bối rối trước sự ăn mặc luộm thuộm của mình.

 Buổi chiều, anh Thuần - bí thư của anh Nghĩa cầm đến cho tôi một cái áo khoác to đùng của Tây (áo chiến lợi phẩm) và nói: Anh Nghĩa bảo đem cái áo này cho mày mặc kẻo mày chết rét.

 Chiếc áo dài, rộng thùng thình, nhưng mặc thì cực ấm. Thật tiếc, tôi mặc chẳng được bao lâu thì chiếc áo tự thủng tửng mảng. Hỏi ra mới biết bọn Pháp trước khi rút chạy, cho bơm axít vào kho quần áo.

 Hằng năm, cứ mùa đông đến, tôi lại nhớ đến anh Nghĩa, người anh cả, một cây đại thụ của ngành Quân giới, người có tấm lòng thật “Đại Nghĩa”, quan tâm đến mọi người.

Hoàng Khâm, Nguyễn Huy Ứng (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:46:06 pm »

Biến cái không thể thành có thể

 Đoàn pháo binh Tất Thắng, đơn vị pháo binh cơ giới đầu tiên của quân đội ta đã từng lập nhiều chiến công hiển hách. Nhưng có một chiến công thầm lặng của Đoàn mà nhiều người chưa được biết đến. Đó là cuộc hành quân chuyển xe, pháo bằng đường sông cùng bè mảng.

 Đầu năm 1953, Đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển một khối lượng xe, pháo, đạn từ Thíp (Lào Cai) về Yên Bái, chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của ta.

 Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các phương án vận chuyển được toàn đơn vị bàn luận khá kĩ. Hành quân bằng đường bộ hay đường sắt đều không bảo đảm bí mật, bất ngờ, thậm chí có thể bị địch đánh phá. Phương án vận chuyển bằng đường sông được cân nhắc rất kỹ. Đây là một phương án táo bạo, đồng thời cũng là trường hợp quá hi hữu, vì chuyển các loại pháo cỡ nhỏ bằng đường sông còn được, đằng này là loại pháo lớn, lại thêm cả xe nữa. Mặt khác, đoạn vận chuyển là sông đầu nguồn, nước thường chảy xiết, nhiều chỗ có thác, ghềnh rất nguy hiểm. Đến đây, tưởng như đưa hàng chục khẩu pháo, xe vượt hơn 100km đường sông đầu nguồn là việc làm không thể.

 “Cái khó, ló cái khôn”, chỉ huy đơn vị cho anh em tháo một khẩu pháo ra, lắp lại, kiểm tra các thông số kĩ thuật rồi bắn thử, đạn rơi vẫn chính xác. Thế là phương án tháo pháo để chuyển bằng bè mảng được toàn đơn vị nhất trí.

 Sau hơn 2 tháng làm công tác chuẩn bị và hành quân không kể ngày, đêm, nhiều lúc phải đối mặt với thác ghềnh, sóng dữ, song vượt lên tất cả, Đoàn đã cùng với nhân dân các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang đưa toàn bộ số xe, pháo cấp trên giao về bến Âu Lâu (Yên Bái) đúng thời gian quy định. Tiếp đó, toàn bộ số vũ khí, phương tiện này lại được Đoàn đưa lên Điện Biên. Chính những khẩu pháo này, dưới sự làm chủ của các chiến sĩ của Đoàn, đã trút lửa xuống đầu thù, góp phần cùng toàn dân, toàn quân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

 Vậy là, bằng trí thông minh, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, Đoàn pháo binh Tất Thắng đã cùng với nhân dân làm nên một cuộc hành quân kì diệu, biến cái không thể thành có thể.

Đức Lê (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:47:33 pm »

Công đầu

 Để có được chiến công của pháo binh trong chiến công Điện Biên Phủ, người có công đầu chưa hẳn là anh trinh sát trên đài chỉ huy, anh pháo thủ ở trận địa, mà công đầu phải nói đến lại là những đồng chí thông tin phụ trách trận địa giả. Cứ mỗi lần khẩu lệnh bắn phát ra từ đài chỉ huy và viên đạn thật chạm nổ thì cũng đồng thời và rất ăn khớp là tiếng nổ và ánh chớp của các trận địa giả phát ra. Thu hút được những đợt phản pháo và phi cơ oanh tạc của địch dồn về phía mình càng nhiều là công lao càng lớn. Mỗi lần như vậy, mỗi người đều chăm chú theo dõi và hy vọng “ánh chớp không bao giờ tắt”.

Thì ra gà còn sống

 Tháng 2 năm 1954, giặc Pháp đánh ra vùng tự do của ta ở tỉnh Phú Yên. Một tiểu đoàn quân ngụy và Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt tại Kỳ Lộ. Lúc thu dọn chiến trường, chiến sĩ ta thấy hai, ba xác giặc còn động đậy. Tưởng còn lính địch bị thương, anh em cảnh giác canh chừng một lúc. Mãi sau mới phát hiện ra là trong các túi quần của chúng có mấy con gà bắt của dân, còn sống. Sau trận đánh, có chiến sĩ hỏm hỉnh làm thơ:

  Theo giặc vơ vét của dân
  Đáng đời lính ngụy tội thân con gà!



Văn Yên (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:48:41 pm »

“Bữa cơm nhạt” và “bữa cơm đắng”

 “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” song với bộ đội ta còn những bữa ăn “đặc biệt” để thể hiện ý chí, quyết tâm của mình trước gian lao thử thách. Dưới đây là hai bữa ăn “đặc biệt đó”:

 Sau lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, dù được đồng bào và các đoàn thể tặng nhiều quà bánh, thực phẩm, song toàn Đội quyết định ăn một bữa cơm nhạt không rau, không muối để gây dựng truyền thống sẵn sàng chịu đựng và vượt qua mọi gian khổ thiếu thốn của người chiến sĩ cách mạng.

 Ngày 30 tháng 8 năm 1946, sau gần 1 tháng học tập, lớp huấn luyện bổ túc quân sự đầu tiên (tiền thân của Học viện Lục quân ngày nay) làm lễ bế giảng. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, gần 100 học viên tổ chức một “bữa cơm cay đắng”. Trong mỗi mâm cơm ấy có một món nấu bằng đu đủ và ớt để ghi nhớ những ngày học tập giữa mùa hè nóng nực, ăn uống kham khổ, từ đó nêu cao truyền thống chị đựng gian khổ, quyết tâm vượt mọi khó khăn trên con đường kháng chiến của người cán bộ, học viên đã từng học tập dưới mái trường Lục quân.

Quốc Hùng (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:49:53 pm »

Bữa tiệc ngoại giao đặc biệt

 Bữa tiệc ngoại giao này đặc biệt không phải ở các món sơn hào hải vị, mà đặc biệt ở hoàn cảnh tổ chức.

 Đây là vào ngày mùng một Tết Đinh Hợi (1947), sau ngày cả nước, theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch đã chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược được gần hai tháng. Để đập tan luận điệu xuyên tạc của thực dân Pháp (nào là đã làm chủ được thủ đô Hà Nội, nào là công cuộc bình định sắp hoàn tất…) và cũng là để cho thế giới thấy rõ quân và dân ta vẫn vững vàng trong cuộc chiến đấu ác liệt chống ngoại xâm trong lòng Hà Nội, được sự đồng ý của trên, Ban chỉ huy trung đoàn Thủ đô quyết định mở một bữa tiệc chiêu đãi Tổng lãnh sự quán các nước có mặt tại Thủ đô Hà Nội, nhân dịp Tết Nguyên Đán.

 Khách đến đông đủ, phần vì tò mò, phần vì để thăm dò tình hình chiến đấu của quân và dân ta. Họ không khỏi ngạc nhiên, trong khi tiếng súng chống ngoại xâm vẫn nổ ngoài các phố, thì trong phòng chiêu đãi vẫn diễn ra một bữa tiệc đàng hoàng như không có gì xảy ra. Nến bạch lạp thắp sáng làm tôn vẻ lộng lẫy của các bức tranh, vẻ đẹp đặc biệt của đào, của quất. Trên bàn có đầy đủ các món ăn sang trọng như yến, vây, bóng mực, bánh chưng, thịt, cá và rượu quý…

 Bữa tiệc kết thúc trong sự hồ hởi của chủ và khác. Ra về, khách còn lưu luyến bày tỏ thiện chí: “Hãy kiên trì và kiên trì, các bạn sẽ thắng” và “Nhờ các ngài cho chúng tôi chúc sức khỏe của Cụ Hồ kính mến”.

N.M.K (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:54:06 pm »

Bức tranh được thưởng

 Thời kháng chiến chống Pháp, đại đội 1 đóng trong rừng luyện quân chờ dịp lên đường diệt giặc. Ban chỉ huy đại đội có sáng kiến tổ chức chiến sĩ thi vẽ tranh. Giải nhất là một con gà tăng gia.

 Vừa bắt đầu thi, chiến sĩ Lăng liền lấy than bôi đen kịt cả trang giấy và nộp nhanh nhất. Buổi tối bình tranh, chính trị viên hỏi Lăng vẽ thế có ý nghĩa gì? Anh đáp: “Đó là lính Âu Phi đi càn ban đêm!”.

 Câu trả lời bất ngờ và thú vị khiến cả đại đội cười bò. Anh em bình cho Lăng giải… 10 quả trứng gà, vì anh thông minh kiểu: “Trạng Quỳnh vẽ giun!”.

Ca dao Điện Biên Phủ

 Điện Biên Phủ, một địa danh lịch sử từng gắn liền với nhiều bài hát, bài thơ nổi tiếng của các tác giả. Nơi đây còn ghi lại nhiều câu hò, bài ca không có tên tác giả.

C hẳng hạn, đối với dân công thì có bài “Ca dao dân công Điện Biên Phủ”, trong đó có đoạn:

   “Mau lên hỡi bạn xe thồ
   Đường ra mặt trận vui mô nào bằng
   Qua rừng qua núi băng băng
   Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù”.


 Trong bài “Ca dao chiến sĩ”, bộ đội ta trong lúc đào hào thì:

   “Đúng rồi! Muốn đánh thì đào
   Muốn thắt cổ địch phải có chiến hào vây quanh
   Chiến hào cùng với chiến binh
   Họ “chiến” chúng mình quyết chiến lập công”.


 Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều bài ca dao ở Điện Biên Phủ. Chúng không còn đơn thuần là những bài ca, tiếng hò. Chủ đề tư tưởng của mỗi bài hò, ca đều mang đậm tính giáo dục, khích lệ, động viên tinh thần phục vụ chiến đấu và chiến đấu của dân công, chiến sĩ. Đó cũng là một phần, dù nhỏ, lí giải chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

 
Câu hát của người Xêđăng

 Đầu mùa thu năm 1948, Ủy ban kháng chiến miền nam Trung Bộ nhận thấy thực dân Pháp đã rải quân ra cả ba nước trên bán đảo Đông Dương, song lực lượng của chúng còn mỏng, nên nhận định: Muốn giữ vững vùng tự do Nam Trung Bộ, không chờ địch đến mới đánh, mà phải tiến vào vùng sau lưng địch để đánh, và hướng chính là Tây Nguyên. Nhưng Tây Nguyên lúc này đường sá còn rất ít, hơn nữa mới chỉ có gần ba trăm buôn làng có cơ sở cách mạng. Vì vậy việc mở đường, phát triển buôn làng cách mạng ở Tây Nguyên ngay sau đó đã được phát động. Qua gần một tháng “phát” mà phong trào vẫn chưa thấy “động” nhiều, nên đồng bào Xêđăng hát rằng:

          "Một người không mạnh, trăm người chưa khỏe
          Cả rừng đánh được, cả núi đánh nhanh
          Lấy người Kinh làm anh, lấy người Kinh làm em
          Tất cả con một ruột, tất cả nước một ống
          Kết một lòng, nghe một tai
          Đốt đồn! Chặn Pháp!"


 Bài hát như một luồng gió mới thổi mạnh vào phong trào. Chỉ ba tháng sau (tháng 10 năm 1948), việc mở đường, xây dựng buôn làng kháng chiến đã phát triển nhanh chóng và rộng khắp ở Tây Nguyên, nâng số buôn làng có cơ sở cách mạng lên gấp 3 lần và hệ thống đường sá đã được mở đến tận ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

D.L. (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:54:56 pm »

Cha con và … cái nồi đồng điếu

 Năm 1950, Võ Viết An làm lính trinh sát ở Thất Khê, tham gia Chiến dịch Biên giới. Một lần, An lên cơn sốt dữ dội nằm li bì dưới gốc cây trám của một gia đình người dân tộc. Chủ nhà là chị Ma Thị Nua, đã dìu An vào nhà, nấu cháo bằng cái nồi đồng điếu cho an và chữa cho dứt cơn sốt.

 Bốn mươi năm sau, An trở thành giám đốc Xí nghiệp ép dầu Việt Yên, có con trai là Võ Việt Sơn đóng quân trên biên giới Lạng Sơn. Một hôm, Sơn phải vào nghỉ ở nhà dân vì cũng lên cơn sốt. Cô gái nhà chủ lấy nồi đồng điếu nấu cháo cho Sơn. Hỏi rõ sự tình Sơn mới hay là mình đang ở đúng gia đình mà bố anh đã ở mấy chục năm trước đó. Vẫn cái nồi đồng điếu cũ và cô gái này lại chính là con gái cụ Ma Thị Nua, dân tộc Tày, huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn.

Vinh Quốc (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:56:16 pm »

Cho cả hai loại kẹo

 Đạn pháo 105 của ta ở chiến dịch Điện Biên Phủ có thể nói hầu hết là lấy đạn địch đánh địch. Nhiều lúc Bộ chỉ huy chiến dịch phải chỉ định bắn từng viên theo mệnh lệnh. Nhưng từ khi quân ta cắt được sân bay Mường Thanh, “cái dạ dày của Điện Biên Phủ” bộ binh ta tìm mọi cách đoạt dù lấy đạn pháo chuyển về cho pháo binh, và mỗi lần giao đạn, các anh cũng không quên kèm theo những hộp kẹo, sôcôla, khẩu phần của địch mà các anh đã đoạt được để dành làm quà cho pháo binh, và tất nhiên cũng có điều kiện với pháo binh “Khi bộ binh gọi, pháo binh phải đáp lời ngay”.

Có một người lính Nga trong tiểu đoàn 307 - Nam Bộ

 Tên của anh là Sơcren Vadinxki, quê ở Ucraina.

 Trong chiến tranh thế giới thứ hai, S. Vadinxki bị phát xít Đức bắt làm tù binh và đưa sang Pháp. khi Đức đầu hàng Đồng minh, thực dân Pháp đã xung anh vào đội quân Lê dương sang đánh Việt Nam.

 Năm 1946, anh bị thực dân Pháp đưa vào chiến trường Nam Bộ. Tới Sài Gòn được 3 tháng, người lính Nga này lại bị điều về Bến Tre và chỉ sau đó ít lâu, S. Vadinxki đã bỏ hàng ngũ quân đội viễn chinh Pháp chạy sang hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam và được bổ sung vào tiểu đoàn 307. S. Vadinxki được mang tên Việt Nam: Dương Văn Thành.

 Từ năm 1946, trên nhiều chiến trường Nam Bộ, Dương Văn Thành chiến đấu ngoan cường, dũng cảm bên các bạn Việt Nam thân yêu của anh, đồng cam cộng khổ, vui buồn có nhau. Anh đã làm đến chức trung đội trưởng, chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt và được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Anh đã được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

 Những năm tháng chiến đấu trên mảnh đất Nam Bộ thân yêu của Việt Nam, Dương Văn Thành đã làm bạn với một cô gái Việt Nam quê ở Bến Tre. Hai anh chị sinh được một cháu gái đặt tên là Irina.

 Sau 8 năm kháng chiến, đến ngày hòa bình lập lại (1954), S. Vadinxki làm phiên dịch cho việc chuyển quân tập kết ra miền Bắc của quân và dân Nam Bộ.

 Cuối năm 1955, Dương Văn Thành được hồi hương cùng con gái Irina, lúc đó vừa tròn 6 tuổi. Cô gái Bến Tre, người bạn đời của S. Vadinxki, ở lại quê nhà.

 Ở Liên Xô, Dương Văn Thành tức S. Vadinxki làm việc tại Khoa tiếng Việt, trường Đào tạo Cán bộ Trung ương các Công đoàn Liên Xô.

Trần Tấn Cường (st)
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:57:15 pm »

Cơm ở trong dân

 17h00 chiều 2-6-1951, Tiểu đoàn 195 bộ đội địa phương Thái Bình nhận được lệnh sau 30 phút phải hành quân gấp về Tiền Hải phục kích đánh bọn ngụy đi tuần đường 39 tại thôn Thượng, xã Hưng Đạo. làm sao trong 30 phút có thể vừa phổ biến nhiệm vụ cho cán bộ đại đội, vừa tổ chức cho bộ đội ăn cơm xong? Đó là vấn đề Ban chỉ huy Tiểu đoàn 195 lo lắng nhất. Tất cả mọi việc, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã thảo luận phân công niệm vụ xong, duy có việc “cơm” cho cả Tiểu đoàn ăn xong trong 30 phút là kẹt. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn đóng ở nhà dân lúc ấy đang có cán bộ xã đội, thôn đội và cả dân quân du kích đến báo cáo tình hình. Cán bộ Tiểu đoàn đem ra trao đổi với anh em thôn, xã giải quyết vấn đề “cơm”, nhiều ý kiến đã được đưa ra bàn bạc. Đột nhiên, một đồng chí dân quân du kích phát biểu: “Khó quái gì, đưa hết bộ đội vào nhà dân mà ăn, giờ này nhiều nhà dân đã nấu cơm xong”. Vì vội, chẳng ai để ý đến tên người nói. Tất cả như chợt hiểu ra, mọi người lao ngay vào việc chuẩn bị: Phát lệnh cho bộ đội hành quân, hợp đồng và giao nhiệm vụ cho cán bộ xã đội, thôn đội cử dân quân du kích đi nắm tình hình, liên hệ với gia đình dân nhường bộ đội ăn cơm trước đi làm nhiệm vụ, gia đình nấu cơm tiếp ăn sau, xã trả gạo và đón dẫn bộ đội vào từng nhà.

 Bộ đội của Tiểu đoàn được lệnh hành quân, nhưng trên đường đi anh em đã được anh chị em dân quân, du kích dẫn đón vào các gia đình dân bên đường ăn cơm, nhà 3 người, nhà 5 người, nhà 7 người, Nhân dân được đón bộ đội về nhà mình ăn cơm rất phấn khởi, nhiều nhà đã lấy thêm mắm dự trữ, lấy trứng gà kho mặn bổ sung vào phần thức ăn đạm bạc của gia đình để bộ đội ăn cho nhiều, cho no. Có anh em may mắn còn được ăn cơm có thịt, có cá. Sau 30 phút, cả Tiểu đoàn hơn 300 người đã ăm cơm xong, nghỉ ngơi 10 phút tiếp tục hành quân đúng lệnh.
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2011, 01:57:56 pm »

Cụ dân công

 Thấy người tứ xứ và dân làng nườm nượp đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Lê Thị Nhài năm đó đã 73 tuổi ở xã Vinh Quang, huyện Thanh Thủy, tỉnh Vĩnh Phú cũng đòi ủy ban cho đi dân công bằng được.

 Cụ vật nài: “Tôi già rồi nhưng chân vẫn dẻo, các ông thông cảm thì cho tôi mang ít quà nhẹ lên tặng chiến sĩ Điện Biên là được. Tôi phải đi để tận mắt xem cái đời bây giờ con cháu “ghê gớm” như thế nào và động viên chúng nó làm tròn lời Cụ Hồ dạy”.

 Trên đường đi cụ thường hát hò, kể chuyện khích lệ mọi người, nhiều người đã cất công đi tìm đến thăm cụ bà dân công già nhất chiến trường.

 Có lần trong đêm, thấy có tiếng người hỏi thăm, cụ liền vui vẻ ứng khẩu:

 “Trời tối ai chẳng biết ai, chính tôi là Lê Thị Nhài, ở xã Vinh Quang… đây!”.

 Có lẽ cụ Nhài là người cao tuổi nhất trong đội ngũ chiến sĩ Điện Biên trùng điệp năm ấy.
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM