Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:30:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331380 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:11:53 am »

(Tiếp theo)

Nhiệm vụ tiểu đoàn thu dung d27 là đón các chiến sỹ, sỹ quan đi công tác, đi phép, đi viện về, kể cả ốm đau, thoái ngũ, lạc ngũ, … rồi sau đó tổ chức thành đoàn đưa lên tuyến trước. Quãng ngày chúng tôi ở d27 không dài, chỉ như một thoáng giải lao, thế nhưng cũng có không ít những kỷ niệm “bắng nhắng”, khó quên, nhất là đối với Lê Minh và tôi.

Chúng tôi được d27 cho truy lĩnh phụ cấp tháng 8 và tạm ứng luôn cả tháng 9. Đây sẽ là lần nhận phụ cấp cuối cùng, những đồng tiền Cụ Hồ cuối cùng. Tháng sau là quân giải phóng rồi, không có phụ cấp nữa. Tôi và Minh rủ nhau trốn đi xả láng một bữa, bù cho những ngày ăn bánh xốp và khoai thay cơm. Hai đứa vào một nhà dân ở Kỳ Sơn, mua một chú ngan tơ, hết 2 đồng 8 hào, trả tròn thành 3 đồng, nhà chủ làm thịt, luộc luôn, còn thêm cho 2 chú mo nếp mới. Hai đứa vác ngan luộc và cơm nếp ra bờ suối “ăn vụng”. Đói con mắt chứ no cái bụng, chỉ ăn được hết 2 cái đùi và một bên lườn.

Một hôm khác, hai đứa lang thang đồi đồi, suối suối, chợt phát hiện ra một trạm quân lương với 2 cái nhà bạt chất đầy những dãy thùng lương khô màu xanh và 2 chiến sỹ coi kho đang say mê xe pháo mã. Hai thằng trinh sát nổi máu nghề nghiệp. Minh vào làm quen, lúc đầu chầu rìa, sau đó chấp 2 lính coi kho một bên, Minh một bên. Bàn cờ đã được khéo léo xoay dần sao cho 2 người lính gác kho quay lưng về phía nhà bạt thứ 2 để tôi dễ dàng tiềm nhập, nhẹ nhàng xách 2 thùng lương khô xuống phía suối. Cũng là nghịch ngợm và đói con mắt thôi, chứ rồi 2 đứa cũng chỉ ăn hết 1 phong, đút túi vài phong, còn bỏ lại ngay bên lối đi xuống suối lấy nước cả thùng dở và thùng nguyên chưa mở.  
    
Cũng đã có một niềm vui nhỏ nhoi và bất ngờ là tôi gặp lại Hùng “con”, giường tầng trên, tầng dưới hồi ở lớp Lý 1, sau lại cùng b3-c23, xa nhau từ sau lần đi bắt cua ở Cầu Tự, Quế Võ. Hồi chúng tôi về d10 thì Hùng ở lại e101, sau được phân vào hoả lực trung đoàn, tham gia Quảng Trị, bị sốt rét nặng, vừa đi điều trị về, da còn bây bấy xanh.

19.9
Ôi, Hùng con bằng xương, bằng thịt. (Q.2-Tr.7)

2.10
Vẫn là Hùng con khi xưa mà sao bây giờ ngang ngạnh là vậy. Tài không nói là một sự thay đổi xấu đi hay là tốt lên mà chỉ biết là Tài không muốn như thế. (Q.2-Tr.8 )


Rồi lại chia tay nhau, tôi vào trước, chắc rồi sẽ gặp nhau trong ấy. Hơn nửa năm sau, tôi nhận được thư Hùng, một lá thư lính gửi từ tả ngạn sang hữu ngạn sông Thạch Hãn, chỉ cách vài cây số mà qua tay 5 người và mất 4 tháng.

9.6.73
Nhận được thư Hùng con, mừng quá đỗi. Thư viết từ tháng 3 và chuyển qua tay 5 người (hững hờ) mới đến. ước ao được gặp nhau một chút thì hay quá đa. -Trà Liên. (Q.2-Tr.63)


Cũng những ngày ở Kỳ Anh, tôi gặp một chuyện buồn đến bực bội vào trưa 22/9 ở Kỳ Tây. Cậu con trai chủ nhà, chỉ có cậu ta, lục túi áo tôi mắc ở đầu võng lấy mất tờ 5 đồng là tháng lương binh nhì đầu tiên của tôi. Với tôi, nó có còn là tiền đâu, nó là nhật ký, là bảo vật rồi. Vừa tiếc, vừa uất ức đến phải thốt lên chửi.

22.9  Sản phẩm của sự chủ quan và lòng cả tin. Đồ khốn nạn. -Kì Tây.(Q.2-Tr.7)

Trong thời gian chờ đợi, tiểu đoàn tổ chức cho anh em tăng gia, chăn nuôi và sinh hoạt chính trị. Đợt ấy ở d27 chỉ có 9 đứa trinh sát là chưa dính Quảng Trị, nom non choẹt, mơn mởn, khác hẳn với các cựu binh da xạm màu khói lửa, hoặc xanh xao sốt rét. Còn có một sự phân biệt nữa mà chỉ ở “thu dung” mới có, đó là sự phân biệt dành cho những người lính “B quay”, những kẻ đào ngũ, thoái ngũ. Một ranh giới nặng nề nhưng không tường minh, thường chỉ thể hiện rõ rệt nhất khi lính nghe kẻng anh nuôi, rủ nhau ngồi thành mâm. Lảng lảng, những người lính B quay hay ngồi với nhau, tồi tội.
  
Thường cứ tập trung được khoảng 20-25 người thì d27 tổ chức một chuyến đưa anh em lên tuyến trước. Lần này mới được 14-15 người kể cả 9 trinh sát nhưng d27 nhận được lệnh sư đoàn yêu cầu tổ chức đưa ngay nhóm trinh sát vào, mặt trận đang cần gấp. Thế là sáng 14/10, sau gần 1 tháng “giải lao” ở tiểu đoàn thu dung, chúng tôi lại ba-lô lên đường, đi tiếp vào Quảng Trị.

Giao liên cho biết theo kế hoạch đoàn sẽ đến nơi vào ngày 1/11, tức là mất hơn nửa tháng. Xuất quân từ Kỳ Anh, huyện cuối phía nam của Hà Tĩnh, giáp với Quảng Bình. Đi hết đất Quảng Bình sang Vĩnh Linh hay còn gọi là Quảng Trị Bắc rồi vượt Bến Hải. Xa nữa là Gio Linh, Cam Lộ gì đó, tôi chưa có bản đồ nên chưa biết chính xác.

14.10
Ngày đầu của cuộc hành quân, nắng dữ dội.
Lại qua những xóm thôn cũ, những xóm thôn 6 tháng về trước. Ai mất, ai còn? 6 tháng đã qua đi. Lòng nao nao nhớ tới đồng đội. Chưa nhận được một một tin gì về cái tổ cũ ấy. Nỗi nhớ và sự hồi hộp.
Đi, và lại đi, đi vào nơi có tiếng súng rền vang. -Kì Lạc. (Q.2-Tr.10)

17.10
Đi sâu vào địa phận Quảng Bình. Giữa 2 dải núi xoải dài ra đại dương là một khoảng đồng bằng có vẻ trù phú và thanh bình. -Quảng Lưu. (Q.2-Tr.11)

18.10
Sông Ranh, ranh giới của mấy chục năm thủa xưa huynh đệ tương tàn. Qua Ranh vào Bố Trạch, qua Bố Trạch dần vào Bến Hải - Ranh giới của thủa nay.-Hạ Trạch.(Q.2-Tr.11)

19.10
Đỉnh cao của sự ác liệt. Nơi mỏng manh nhất của ranh giới giữa sự sống và cái chết. Buổi sớm qua Khe Sắn  được chứng kiến bao nhiêu điều mới lạ. Bãi bom B52, rồi F4 bổ nhào, bom nổ trên mặt đường và cả bom B52 réo nổ. Chiến tranh là vậy.-Vạn Trạch. (Q.2-Tr.11)



Quảng Bình là nối tiếp những tam giác đồng bằng mà một cạnh là bờ biển còn 2 cạnh kia là các dải núi chạy xiên từ phía Lào sang, hình dung như những cặp xương sườn bắt đầu từ cột sống Trường Sơn, ôm toả xuống Biển Đông. Đường giao liên không vượt hẳn lên núi non miền Tây, cũng không xuôi hẳn xuống đồng bằng miền Đông. Cứ lên xuống, lên xuống, cắt ngang những dải xương sườn núi. Tính sao cho ngày đi trên đồi núi, tối xuống được đồng bằng, vào nhà dân ngủ. Lại huyện tiếp huyện, Kỳ Anh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh rồi sang Lệ Thuỷ, vào Vĩnh Linh.

Hôm vượt qua Khe Sắn (Vạn Trạch - Bố Trạch), lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt bãi bom B52 đất còn tơi mới và nghe tiếng F4 bổ nhào, bom réo rin rít trước khi chạm đất nổ, cách nơi nấp không xa. Đã thấy bình tĩnh hơn so với trận bom Tùng Thiện, Sơn Tây hồi tháng 5. Rồi một đêm ở Lệ Thuỷ, dừng chân nghỉ ở một xóm nhỏ, nơi mọi người dân già trẻ đều phải ngủ hầm. Mấy đứa chúng tôi được chủ nhà dành cho 1 căn hầm trâu, bên dưới là mẹ con nhà trâu, bên trên, sát mái tranh là chỗ mắc võng của bọn tôi. Hôi nhưng an toàn. Mặc tiếng trâu phì phò, báng sừng đuổi muỗi suốt đêm, lính trẻ vẫn chao võng, ngủ ngon lành sau một ngày hành quân mệt mỏi. Có động tĩnh gì thì tụt ngay xuống lưng trâu rồi tuồn xuống đất, nằm nép vào mép hầm hay lần theo giao thông hào để đến khu hầm của gia đình.

Một hôm, chúng tôi hành quân qua một trảng đất hoang rất rộng ở cuối huyện Quảng Ninh. Nghe giao liên truyền lệnh xuống: “Chú ý có bom nổ chậm trên đường, đi thưa ra, cách nhau trên 10 mét, chú ý nhìn xuống chân”. Tôi đi gần cuối đoàn. Đi một quãng ngắn nhìn thấy bên đường có cây cọc tre cài tấm bảng bằng cót: “Bom nổ chậm”, một dấu đầu lâu xương gạch chéo nguệch ngoạc và mũi tên chỉ chếch xuống vệ đường. Nhìn theo mũi tên thấy một chú bom, đen sì, khá to, rúc đầu hở đuôi trên nền đất còn tơi mới. Nín thở đi qua, nhưng theo bản năng, chân ai cũng cứ xẹo xẹo về phía trái, tránh quả bom nằm ở sát phía phải lối đi.      

Bãi Hà thuộc miền tây Vĩnh Linh, là điểm dừng chân cuối cùng trên đất Bắc, trước khi vượt sông Bến Hải. Tên Bãi Hà nghe quen quen, như chỉ quanh quanh đâu đây là Hà Nội, nhưng chỉ thấy núi rừng âm u, không có sông bãi, không có dân, chỉ có cây rừng, chim rừng và lính. Đêm ngủ võng ở rừng Bãi Hà là đêm cuối cùng trên đất Bắc.

Những năm trước, khi vượt Bến Hải bộ đội ta phải huỷ bỏ mọi giấy tờ trước khi vượt tuyến. Bây giờ thoải mái. Sau 3/1972, bờ Nam cũng của ta rồi. Dù vậy, tôi vẫn kiểm lại ba-lô. Quý nhất là tờ 5 đồng “hành ký lính” thì đã bị con nhà chủ lấy mất hôm ở Hà Tĩnh rồi, trong ba-lô chỉ còn cuốn nhật ký mới viết được đến trang 14 và quyển giáo trình Tiếng Anh của Vũ Tá Lâm. Tôi ghi vội mấy dòng để tạm biệt đất Bắc.

28.10
Cuộc hành quân quyết định từ Tân Thuỷ vào khu C. Có lẽ đây là trạm nghỉ cuối cùng của đất Bắc.
Cả ngày đi trong cái xứ sở chỉ còn tồn tại chim thú và người lính. Rừng âm u. Bom đạn. Đã thấy lờ mờ chân dung rùng rợn của chiến tranh.
Gặp trên lộ 15 những người lính cáng nhau đi. Cái sống mỏng manh. -Bãi Hà. (Q.2-Tr.12)

31.10
Ngày cuối của tháng. Có lẽ hôm nay sẽ vượt tuyến.
Trước khi khởi hành gặp một điều rủi ro: Minh bị mất cuốn nhật kí. Thật là bực mình.
Vào khoảng 8 giờ, mình chính thức vượt qua Bến Hải vào miền Nam.
Đau xót nhìn những mảng da của tự nhiên bị chất độc Mỹ tàn phá.
Buổi chiều gặp những người thân xưa kia. Bao nhiêu là những sự thay đổi. Kẻ sống, kẻ chết, người đi, người ở.
Hay tin AKhâm đã đi. AKhâm có trí tuệ và một sự hiểu biết tương đối rộng rãi.
Hậu cứ  ở một khu rừng non, lặng lẽ. -Cam Lộ. (Q.2-Tr.13)


Ngày 31/10/1972, cả toán vượt qua Bến Hải trên một quãng ngầm không sâu, nước đến ngực, không có cầu, không có thuyền. Một chút ngỡ ngàng. “Đôi bên bờ Hiền Lương ...” là đây ư? Con sông chia cắt 2 miền hoàn toàn không giống như tưởng tượng, không như trong phim “Chung một dòng sông”.

Sang bờ Nam, thấy vẫn những lối mòn, những vạt cây lúp xúp, chẳng khác gì bên bờ Bắc. Hơn nửa năm về trước đây là phần đất của đối phương, là những địa danh nổi tiếng: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Gio Linh, ... Đầu buổi chiều, cả toán hành quân an toàn đến trạm đón tiếp tiền phương của sư đoàn. Chưa kịp nghỉ ngơi, định thần, định hướng thì số trinh sát được tách ra và dẫn đi ngay. Chúng tôi được đưa thẳng về Ban 2, cách không xa trạm đón tiếp.

Ban 2 đóng ở một khu đồi thấp với những lùm cây không cao lắm, lơ thơ lá, nằm giữa những vạt cỏ tranh rộng. Hầm chữ A và nhà âm đào dưới những lùm cây cao hơn đầu người. Sáng sớm, những vạt cỏ tranh màu xanh lá cây quen thuộc của hôm trước bỗng biến mất, thay vào đó là một biển cỏ tranh xanh nhạt, đều màu nhưng lóng lánh. Thì ra sương đêm đã láng trên mỗi chiếc lá cỏ tranh một lớp nước mỏng, như một lớp voan, bọc lấy mỗi cọng cỏ. Phải đợi nắng lên, sương bay hết, mới trả lại màu cỏ tranh xanh rờn, lượn sóng.

Mọi người gọi khu vực này là suối La La, mặc dù tôi chưa nhìn thấy suối và cũng chưa kịp định hình xem suối ở phía nào. Mênh mông đồi, xa xa 3 phía có núi. Mọi người chỉ cho tôi những cao điểm đã từng nổi tiếng hồi ta đánh chiếm Quảng Trị: 241, 544, ... Lưng chừng sườn cao điểm 544 còn cả một tấm vá nâu đỏ, chắc là hố bom, hoắm sâu như vết thương rỉ máu của đất. Trập trùng xa về phía dãy Voi Mẹt là Khe Sanh, Tà Cơn, Nam Lào, những địa danh nổi tiếng cả nước từ những năm 68-70.

Những cao điểm ở Quảng Trị trông rất kỳ, như núi trọc, không có rừng, nhưng lại chới với những cành cây, thân cây khẳng khiu, trụi lá in lên phông trời, dấu tích của những khu rừng đã bị chất độc bóc hết lá, chỉ còn xương cây khô. Tôi chỉ tìm thấy trong nhật ký một dòng viết ngắn ngủi duy nhất về hoá chất diệt cỏ: “31/10: Đau xót nhìn những mảng da của tự nhiên bị chất độc Mỹ tàn phá”. Thương cho đất, cho cây chứ đâu có biết để thương cho mình, cho Người. Mãi sau này, bây giờ, khi người ta biết đến và nói nhiều về di chứng của chất độc màu da cam mới thấy rờn rợn, giật mình. Những người lính trở về hồi hộp chờ nhìn những đứa con ra đời đầy đủ, bình thường, để thở phào, chứ khi đó vẫn uống nước dưới hố bom, vẫn tắm suối, vẫn ăn rau má, rau tàu bay, sống với rừng trụi lá, vẫn lạc quan yêu đời để chiến đấu cho đến ngày chiến thắng.

Sư bộ chắc cũng đóng quanh La La. Không gian trong những lùm cây non yên ả, vắng vẻ, có cả tiếng chim líc ríc, nhưng dưới các căn hầm của Ban 2 và a12 thấy gấp gáp, căng thẳng. Điện báo đi, báo về, tin khẩn, tin mật. Anh em vừa đi vừa chạy gằn theo giao thông hào nối giữa mấy căn hầm a12 và Ban 2. Tôi chưa kịp nhập cuộc nên thấy tò mò lắm, nhưng nguyên tắc của lính trinh sát nên không dám hỏi. Cũng chưa có bản đồ trong tay nên không biết mình đang ở đâu, địch ở xa hay gần.  

Tổng cộng lại, kể cả thời gian dừng chân ít ngày ở tiểu đoàn thu dung, chúng tôi đã mất kém 3 ngày là tròn 2 tháng để đi, chủ yếu là hành quân bộ, xuất phát từ bờ hồ Thuyền Quang, trung tâm Hà Nội, để đến bờ sông Cam Lộ, nghe nói chỉ cách chiến tuyến chừng chục cây số.  Một cuộc hành quân khá đặc biệt từ thủ đô thẳng ra mặt trận với ngồn ngộn kỷ niệm và đáng để nhớ.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2010, 08:25:11 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 04:18:31 pm »

(Tiếp theo)
  
Cũng đã có một niềm vui nhỏ nhoi và bất ngờ là tôi gặp lại Hùng “con”, giường tầng trên, tầng dưới hồi ở lớp Lý 1, sau lại cùng b3-c23, xa nhau từ sau lần đi bắt cua ở Cầu Tự, Quế Võ. Hồi chúng tôi về d10 thì Hùng ở lại e101, sau được phân vào hoả lực trung đoàn, tham gia Quảng Trị, bị sốt rét nặng, vừa đi điều trị về, da còn bây bấy xanh.

19.9
Ôi, Hùng con bằng xương, bằng thịt. (Q.2-Tr.7)

18.10
Sông Ranh, ranh giới của mấy chục năm thủa xưa huynh đệ tương tàn. Qua Ranh vào Bố Trạch, qua Bố Trạch dần vào Bến Hải - Ranh giới của thủa nay.-Hạ Trạch.(Q.2-Tr.n)


6971 thân mến! Hùng con ở đây có phải người nhỏ con quê ở Thanh Trì phải không. Hùng có một giọng nói khá đặc biệt. Sau này Hùng có thời gian làm việc tại Viện nguyên tử Đà Lạt phải không? Nếu đúng như vậy Hùng ở c14 cối 82/e101. c3 mình có cậu Dư cũng ở Lý 1 ĐHTH người lùn nhà ở ngõ Tiến Bộ (Khâm Thiên). Dư hy sinh ở 363 Phú Lộc TT tháng 3/1975.

Mình mạn phép bạn xin sửa sông Ranh thành sông Gianh.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 05:41:59 pm »

* Việc chúng tôi may mắn và linh thiêng tìm lại được Đại trưởng Hiền tối qua sau 36 năm mất tin, dù ông đã khuất, thôi thúc tôi gửi gấp phần này lên QSVN, dù không kịp đọc lại. Xin gửi Anh Hiền nơi chín suối những kỷ niệm nhỏ khi anh mới 31 tuổi, còn bọn em tròn 20  - 6971
 
7. Những câu chuyện Ái Tử

Về đến Ban 2, sau khi báo cáo qua loa về tình hình mấy tháng ra học nghiệp vụ, 3 trinh sát e18 được dẫn ngay về trung đoàn, 3 trinh sát ảnh về lại tiểu đội trinh sát kỹ thuật (a12), ở liền với Ban, chỉ còn 3 đứa c20 chưa thấy được phân công, tạm về a12 đợi.

Không khí ở Ban 2 và a12 hối hả, căng thẳng, như là đang gấp rút chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Chưa về c20, mà cũng chưa biết c20 ở đâu, xa hay gần, nhưng qua anh em a12 cũng biết đã có rất nhiều thay đổi trong nửa năm qua. Riêng a8 của tôi mất 3 người, anh Độ, Triệu và em Hiếu, toàn những người tôi vô cùng yêu quí. Bảo “liên lạc” đã lên a trưởng, nghe nói trưởng thành, cứng cáp lên nhiều lắm.

Sau 2 ngày nghỉ, ngày thứ 3 thấy Ban 2 cho người đưa Lê Minh và Khoa về c20, riêng tôi ở lại. Càng bồn chồn, nóng ruột. Đi đâu hay ở lại ban? Thêm một ngày hoang mang. Hôm sau, trưởng ban Tân cho gọi tôi lên. Ông không đeo quân hàm, nom già đi nhiều so với hồi ở Hà Bắc, hôm xuống phát lệnh hành quân cho c20. Ông gọi tôi bằng anh chứ không bằng đồng chí và giao mệnh lệnh rất ngắn gọn: “Anh hãy đi lên tuyến trên, ở đấy đang cần sự có mặt của anh”. Nhìn nét mặt nghiêm và lạnh của ông, tôi không dám hỏi gì thêm, nhưng sung sướng nhất là tôi đã có việc và được ông cấp cho một mảnh bản đồ Quảng Trị, tỷ lệ 1:100.000, của Mỹ. Bản đồ là súng của người chiến sỹ trinh sát binh địa.

1/11
Lại “sinh nguyệt” rồi. Sớm nay gặp lại đại uý Tân (Trưởng Ban 2). Ông ta già đi nhiều.
Không khí ở Ban 2 có vẻ gấp gáp. Những tình huống nóng hổi luôn được báo về. Nơi này cách đối phương chắc là không xa lắm. -Bộ tư lệnh F. (Q.2-Tr.14)

4.11.1972
“Anh hãy đi lên tuyến trên, ở đấy đang cần sự có mặt của anh”. Ông lão già nói những chuyện khô khan và khách sáo với mình.
Đi thôi! Không phải là chuyện thích đi hay là không thích đi mà là lệnh. Đi vào phương Nam. -Ban 2. (Q.2-Tr.14)


Ngay sáng hôm sau, 5/11, Thắng “con” từ hậu cứ c20 lên Ban 2 đón tôi. Bấy giờ tôi mới chính thức biết nơi tôi sẽ đến là Ái Tử. Suốt dọc đường đi, với tôi cái gì cũng lạ, cũng ngơ ngác, cái gì cũng phải hỏi. Bắt đầu là Đường 9 nổi tiếng. Chúng tôi đi cắt qua nó. Tôi ren rén sờ tay xuống mặt đường nhựa. Rồi qua những vùng đồi lúp xúp. Đến bờ sông Lai Phước, lần đầu tiên tôi nghe tiếng nổ của pháo tăng tầm. Tiếng nổ tăng tốc oàng ngay trên đầu, đạn đã qua đầu bay tiếp, mấy giây sau sẽ nghe tiếng đề-pa từ tận hạm đội ngoài khơi và cuối cùng là tiếng nổ của đạn tiếp đất ở phía ngược lại, sâu trong đất mình.

Bến đò Lai Phước nằm ở quãng sông với 2 vách núi cao 2 bờ. Không có giao liên, không có người trông coi, chỉ có một con mảng nhỏ buộc vào một sợi cáp căng ngang sông. Lính ngồi lên mảng rồi tự lần lần tay theo cáp, dong mảng qua sông. May thì gặp khi mảng đang ở bên mình, không thì đợi, nhiều lắm là mươi phút thế nào cũng có lính ở bên kia sang. Kéo mạnh tay, nhanh nhanh để tránh mấy thằng OV10 và L19 lúc nào cũng ỉ ọt trên cao tít.

Qua sông, từ trên đồi cao nhìn xa xa, cách khoảng 4-5 cây số, thấy loáng thoáng những cụm khói màu xám, lơ lửng trườn về phía đồi núi. Thắng bảo: đó là thị xã, là Cổ Thành, là địch. Đường đi qua 2 quả đồi còn vương vãi ba-lô, dép, quân trang trên miệng hơn chục hố bom kéo thành vệt. Thắng kể: tháng trước, lính mình bên C sang, cứ quen như bên ấy, đằng thằng cả đại đội rồng rắn thành hàng, bám sát nhau vừa hành quân vừa trò chuyện trong đêm, chắc có cây nhiệt đới ở ven đường thu được tín hiệu đoàn hành quân, báo cho B52 căn toạ độ rải bom, ta bị nặng quá.

Chúng tôi có dừng lại nghỉ chân ở một khu hầm ven suối, Thắng giới thiệu là khu A, hậu cứ của c20. Tôi dò bản đồ thấy ghi địa danh Cao Hy. Vì lệnh Ban 2 yêu cầu tôi phải ra Ái Tử gấp, hơn nữa đại đội lên tuyến trước và đi công tác hết, hầu như không còn ai ở hậu cứ, nên 2 đứa chỉ nghỉ ít phút, kịp uống nước ở một căn hầm âm sát bờ suối, chuyện trò với 2 cậu lính mới về c20, chỉ biết Thắng, không biết tôi, rồi đi ngay. Gần trưa, hai đứa đến được Ái Tử. Nhìn sang thành cổ, tận mắt,  xúc động đến mất bình tĩnh.

5.11
Đây chính là đường 9. -Khu A. (Q.2-Tr.15)

6.11
Sự dã man đến ngu xuẩn của con người. Thành Cổ hoang tàn. Ôi, QuảngTrị. Máu ương và đổ nát. -Ái Tử. (Q.2-Tr.15)

 
Ái Tử là tên làng, một làng nhỏ nằm giữa Đông Hà và thị xã Quảng Trị, nhưng sát về phía thị xã. Đây chính là nơi  Nguyễn Hoàng đã dừng chân khi chạy từ Bắc vào để rồi tạo dựng nên cơ nghiệp “Chúa Nguyễn đàng trong”.

Tên Ái Tử đẹp. Ban đầu tôi băn khoăn một cách lãng mạn nghĩ không hiểu Ái Tử là “Yêu cái Chết” hay “Tình yêu bị chết”. Mãi hơn nửa năm sau, khi tình cờ nghe câu hát ru: “Mẹ yêu con ra ngồi cầu Ái Tử –Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu” tôi mới biết Ái Tử nghĩa là “Thương Con”. Hay! Nhưng Ái Tử không nổi tiếng vì tên, vì nghĩa “Yêu chết” hay “Thương con” mà là vì Ái Tử nóng bỏng của mùa hè Bảy Hai cùng với Thành Cổ. Trước đó, Ái Tử là sở chỉ huy sư đoàn 3 của ngụy, vì thế gọi là “Căn cứ Ái Tử” .

13.11.1972:
Ôi, Ái Tử là Tình yêu cái chết hay là Sự chết của tình yêu! -Ái Tử. (Q.2-Tr.17)

2.7.1973
À, ra thế! Không phải là “Sự chết của tình yêu” hay “Tình yêu cái chết” mà là “Yêu Con”. Nhầm lẫn thú vị là ở chữ Tử.
“Mẹ yêu con ra ngồi cầu Ái Tử - Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu”. -Ven Ái Tử. (Q.2-Tr.59)


Giữa Ái Tử và cổ thành Quảng Trị là làng Nhan Biều và dòng Thạch Hãn. Thời kỳ 81 ngày đêm giữ Cổ Thành, c20 đặt một đài quan sát tiền tiêu ở Nhan Biều. Các nhóm trinh sát ngày vượt sông sang thị xã nắm tình hình chiến sự, tối lại về đài. Sau khi ta rút khỏi thị xã, đài được dịch lên Ái Tử, nằm trên sườn cao điểm 20, thuộc căn cứ Ái Tử cũ. Hiện tại đài có 7 chiến sỹ trinh sát, chưa kể tôi. Đài rất quan trọng nên đích thân đại đội trưởng Hiền phụ trách đài này.

Phía gần là nhánh sông Vĩnh Định, đổ ra Thạch Hãn. Xa hơn, phía trái là Cổ Thành Quảng Trị, phía phải là Nhan Biều, giữa là bến cát và dòng Thạch Hãn

Anh em trên đài chia làm 4 hầm. Căn hầm chính vốn của lính sư đoàn 3 ngụy, rộng đủ trải 4 chiếc chiếu đơn, được xây dựng kiên cố, vững chãi, có mái vòm bằng tôn cuốn, ngoài chất mấy lớp bao cát dày dặn. Đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của anh em ở đài. Phía cuối hầm, lính ta phát triển thêm một nhánh hầm chữ A sâu bên trong làm nơi ngủ. Từ hầm chính có thể quan sát được toàn cảnh cả 2 phía ta và địch. 3 hầm còn lại nhỏ, hầm chữ A, do lính ta đào.

Lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy cảnh hoang tàn thật sự của chiến tranh, cả phía bên ta: Ái Tử, Nhan Biều, Tích Tường, Như Lệ, cả phía bên địch: Cổ Thành, La Vang, Tri Bưu và xa mãi tận động Ông Do. Hoang tàn, tơi tả. Xúc động tột cùng.

Gặp lại đại trưởng Hiền. Thời ở Hà Bắc, Hà Tĩnh, tôi biết về đại trưởng qua giai thoại, đồn đại là chính. Anh như con báo trong bách thú, hiền lành nhưng tiềm tàng. Gặp lại anh ở Ái Tử như gặp con báo đã về rừng. Tôi được 1 ngày để tìm hiểu binh địa khu vực Ái Tử và Nhan Biều, cả trên bản đồ và thực địa. Cùng ở đài có 3-4 lính cũ thời xóm Đồng: Tiến lớn (A trưởng), Tiến con, Kha và Thắng. Còn lại là lính bổ sung các đợt sau này, nên tôi không biết họ, họ cũng không biết tôi. Mọi người đều đã dạn dày qua mùa hè Bảy Hai, nên tôi rất kính phục, hỏi han được nhiều điều, phần lớn là những bài học sống chết.

Tôi cùng hầm với Tiến con, người gầy cao, cởi mở. Hầm nhỏ, không có nhà âm, kề ngay bãi tăng. Có khoảng 20 chiếc xe tăng Mỹ, cả M41 và M48, nhiều chiếc còn mới, địch bỏ lại khi tháo chạy khỏi Quảng Trị hồi đầu hè. Không biết bên ta có kịp lái được chiếc nào đi không, nhưng số còn lại, mặc dù mới nhưng đều bị bom đánh tanh bành. Tôi tha thẩn chui vào trong các tháp tăng, cái sấp, cái ngửa, tò mò lục lọi, tìm kiếm.    

Sau 1 ngày nghỉ ngơi, làm quen, tối 7/11, anh Hiền giao nhiệm vụ trinh sát binh địa đầu tiên cho tôi. Sau 81 ngày đêm giữ thị xã, từ 16/9, ta lui về tổ chức phòng thủ bên tả ngạn sông Thạch Hãn. Lính vẫn quen gọi bên ta, bên tả ngạn là bờ bắc, bên địch, hữu ngạn là bờ nam nhưng thực ra là bờ tây và bờ đông vì quãng này dòng Thạch Hãn chảy theo hướng Nam-Bắc. Hai bên tranh thủ ổn định tuyến phòng thủ dựa trên ranh giới tự nhiên là dòng Thạch Hãn.  

Đêm 1/11, tức là trước khi tôi đến Ái Tử 4 ngày, địch bắn pháo dữ dội vào Nhan Biều và các khu vực phụ cận rồi nhân đó tổ chức cho 3 đội thám báo và 2 đại đội thuộc d6, lữ 369 Thuỷ quân lục chiến bí mật vượt sông sang ta, đoạn đối diện với Thành Cổ, phía bên ta là một bãi cát thoải, cắm chốt đầu cầu để phản công, âm mưu chiếm lại Ái Tử, Đông Hà. Ta kịp thời phát hiện ngay trong đêm, nhưng chốt ta mỏng, địch chủ động lại áp đảo về quân số và hoả lực, nên ta không đánh bật được ngay trong đêm đó và cả ngày hôm sau. Chúng đã cắm được chốt đầu cầu bên bờ bắc, nhanh chóng triển khai đội hình và tiếp tục bổ sung quân trong đêm 2/11. Chúng muốn bằng mọi giá giữ được chốt đầu cầu ở bờ bắc. Ta huy động hoả lực đánh chặn ngay từ bên kia sông, súng phun lửa quét khống chế mặt sông và điều quân, chủ yếu của d8, e18, kịp thời nhổ chốt của địch ở bờ Bắc. Đến chiều 3/11 thì trận đánh hoàn toàn kết thúc, địch bị bật khỏi bờ bắc, bỏ lại hơn trăm xác chết, bị bắt sống 1 tên.

Trận đánh không lớn, chỉ cấp tiểu đoàn, kéo dài 2 đêm, 2 ngày, nhưng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với cả 2 bên.  Địch thăm dò, nắn gân trực diện đầy hung hăng và tham vọng. Ta cảnh báo đanh thép. Chỉ ngạc nhiên là cho đến tận bây giờ vẫn ít ai biết và nhắc đến trận đánh quan trọng, có ý nghĩa lịch sử ấy. Với bên kia, đó là một trận thua, một nỗi đau không muốn gợi lại, nhưng với bên này, là chiến thắng, đáng tự hào nói đến. Cũng có thể chiến thắng Nhan Biều năm ấy đã bị mờ nhạt bởi sừng sững 81 ngày đêm của “Mùa hè đỏ lửa” ngay trước đó.

Thì ra trận đánh diễn ra đúng vào những hôm tôi mới vào đến sư bộ. Thảo nào mấy hôm đó thấy không khí Ban 2 căng thẳng, gấp gáp. Nhiệm vụ của tôi lần này là tìm hiểu và vẽ lại sơ đồ triển khai quân của địch khi chúng đột nhập sang bờ Bắc và diễn biến trận đánh Nhan Biều để cấp trên nghiên cứu. Ông Tân nói đại trưởng Hiền đang chờ tôi ở tuyến trước là phải. Tôi vào thật đúng lúc.

8.11
Bắt tay vào cuộc. Cùng Thắng xuống bờ sông. Phải bò, bò thật sự. Không còn là chuyện đùa bỡn nữa.
Sông Thạch Hãn êm đềm. Đôi bờ tịch mịch, yên ả. Một sự vắng vẻ rùng rợn.
Những con thú lặng lẽ chờ mồi. Một con chó, một con mèo sáng nay tôi gặp ở cái xứ hoang tàn này sao cũng thấy xao xuyến lòng tôi đến thế.

Một thứ mùi rờn rợn. Người lính xấu số nào đó đã hy sinh. (Q.2-Tr.16)



Anh Hiền cử Thắng dẫn tôi xuống Nhan Biều, cách cao điểm 20 chỉ khoảng hơn cây số. Hai bên sông Thạch Hãn, đoạn thị xã, trong tầm súng bắn thẳng của bộ binh, khoảng 1 cây số, ta nhìn thấy ta, địch nhìn thấy địch, bố trí lực lượng khá dày, nhưng 2 bên hoàn toàn không nhìn thấy nhau, hở lưng nhưng kín mặt. Sau những ụ đất, bờ ruộng, bức tường, rặng cây kia là đối phương, bố trí dày đặc. Xa hơn thì lính 2 bên đi lại thoải mái, miễn là phân tán, đừng đi thành nhóm, thành đoàn, ngứa mắt đối phương. Thắng và tôi đi hiên ngang từ Ái Tử xuống, nhưng đến Nhan Biều, nhất là từ quãng vượt qua quốc lộ 1, thì bắt đầu lom khom, nửa đi, nửa chạy. Làng xóm xác xơ, hoang tàn, đổ nát, không còn lấy một mái nhà, một tán cây xanh nào. Chỉ đây đó những bức tường nham nhở, loáng thoáng những chú mèo hoang gầy xác xơ, thoắt ẩn, thoắt hiện và một hai khuôn mặt người già méo mó, vô hồn thấp thoáng ở cửa những căn hầm kèo chữ A chất dày ú ụ bao cát Mỹ.

Chúng tôi khom khom đi theo giao thông hào đến chốt tiền tiêu của c7-d8-e18. Trong căn hầm tranh tối, tranh sáng ngay bờ sông có 2 người lính bộ binh chốt giữ với 1 khẩu súng phun lửa chĩa chếch xuống dòng sông. Họ là những người đã trực tiếp tham gia trận chiến đấu trước đó chưa đầy tuần lễ. Cuộc chiến còn nóng hổi cả trên 2 gương mặt non choẹt và những mẩu chuyện kể lập cập, đứt quãng. Góc hầm thấy chất nhiều lon thịt hộp và túi gạo sấy Mỹ, chắc là chiến lợi phẩm.

Nhìn qua lỗ quan sát nhỏ ở vách hầm, thấy bên kia sông, bờ Nam, vắng lặng, thanh bình. Mấy con chó hoang cụp đuôi, lóp bụng, lấm lét chạy dưới bãi cát sát mép nước phía bên ta. Hai người lính chỉ cho tôi khu vực Dinh tỉnh trưởng nổi tiếng ở phía bên kia sông. Tôi đã nghe nhiều chuyện đến khó tin về nó, nơi đặt chỉ huy sở của ta trong chiến dịch hơn 80 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thị xã. Tôi căng mắt nhìn nhưng chẳng thấy gì rõ rệt. Cũng chỉ thấy một dải vách sông nham nhở gạch vụn và cây cỏ xơ xướp như mọi chỗ khác. Vẫn thấy có những con cá nhỏ vô tư búng nước trên mặt sông lăn tăn. Nhưng đâu đó sau những ụ đất kia, bờ cây kia là những con mắt, họng súng đang chăm chăm soi, nhăm nhăm rình, sẵn sàng loé lửa, và dưới làn nước là thuỷ lôi, dưới cát là mìn.

Qua 2 người lính bộ binh c7, tôi biết trận đánh đã diễn ra trên dải đất nằm về phía trái, đoạn giữa thôn, xuôi theo chiều sông chảy. Tôi nói Thắng ở lại hầm, để mình tôi bò ra khu trận địa. Tôi định không mang theo súng mà chỉ cần quyển sổ với cây bút chì và chiếc la bàn cho gọn, nhưng 2 người lính bộ binh khuyên tôi nên mang theo, biết đâu vẫn còn sót tàn binh hay thám báo. Họ còn dặn tôi cả mật khẩu, phòng khi gặp chốt ta, c6 và c5, ở đầu làng phía bên kia. Tôi theo giao thông hào, quãng thì lom khom, quãng thì bò, lựa theo những vệt chân đi còn mới để tránh mìn. Càng xa hầm càng thấy không khí nặng mùi, khăm khẳm, khó chịu. Các xác chết của địch đã được bộ binh ta thu dọn, chôn cất, nhưng làm sao hết được những phần vương vãi. Tôi phát hiện những cụm công sự cá nhân, đất đào còn mới, nông toèn hoen. Nhìn kiểu hầm tạm bợ biết ngay là của bọn lính cậu, Thuỷ quân lục chiến. Bên các miệng hố vẫn la liệt vỏ đạn AR15, M79, súng chống tăng M72, vỏ bao gạo sấy và vỏ lon thịt hộp.

Tôi còn thu được một chiếc ba-lô nằm khuất trong một lùm cỏ rậm. Thận trọng mở ra xem, thấy có vẻ ai đó đã lục trước rồi. Trên quai ba-lô mờ mờ dòng chữ màu nâu, có vẻ như viết bằng máu: “Tám Hiếu -  Đại úy thuỷ quân lục chiến -  Sát Cộng”. Trong ba-lô và các túi cóc lộn xộn đồ quân trang, đồ sinh hoạt. Tôi bỏ hết ra, chỉ lấy chiếc ba-lô dù, mấy túi gạo sấy, lon thịt hộp và  một cuốn tạp chí hay truyện gì đó.

Trận địa của địch triển khai kéo dài trên dải đất khoảng 500-700m, xuôi theo bờ sông, nơi sâu nhất lấn vào đất ta khoảng 300m. Chúng cũng đã kịp triển khai thành 4 cụm, có lớp trước, lớp sau. Trên bãi cát dài sát mép nước, phía bên ta, vẫn còn mấy chiếc cột, loằng ngoằng mấy sợi cáp, chắc địch căng qua sông để thuyền và lính định vị bám sang sông.

Sơ đồ trận đánh Nhân Biều, 1-3/11/1972

(Còn nữa)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2010, 08:29:41 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 05:55:30 pm »

(Tiếp theo)

Về đến hầm ở Ái Tử, buổi tối tôi mới mở “chiến lợi phẩm” ra xem kỹ. Hoá ra trong túi cóc ba-lô còn có một chiếc bàn cạo râu USA kiểu “cụp xoè”. Nhưng tò mò và hấp dẫn nhất với tôi vẫn là cuốn sách. Đó là một cuốn tạp chí của quân đội ngụy, kiểu như Văn nghệ quân đội ngoài Bắc. Nhiều nội dung nhăng nhít, nhạt nhẽo, không ấn tượng, tôi quên ngay. Nhưng có một truyện ngắn khó quên, truyện về mối tình của một thiếu nữ Sài Gòn với một người lính Cộng hoà với mấy câu mở đầu rất dễ thương: “Tôi đã đi qua thời con gái. Khi đã là đàn bà, gặp Nhơn, tôi mới biết yêu. Tình yêu của tôi là trái chín”. Một mối tình lãng mạn, không có nhiều trắc trở nhân duyên mà chỉ có rào cản của chiến tranh. Cô giáo Sài Gòn sấp sấp, ngửa ngửa, năm năm, tháng tháng theo bước chân nay đây mai đó của người lính Cộng hoà. Truyện chưa kết, còn kỳ sau.

Tôi thích giọng văn Nam Bộ, khi đó còn rất xa lạ với tôi. Thứ văn phóng khoáng, tự nhiên như chuyện tán gẫu, như dẫn người đọc đến trước một vùng cỏ hoang sơ, không có bờ, chưa có lối mòn, không áp đặt, định hướng. Câu văn đơn giản, như con cá, hạt lúa, giọng văn thì thầm, như lời người khác giới nói với nhau. Tình yêu, trái chín là chuyện tự nhiên, Bắc cũng như Nam. Cũng để lại chút bâng khuâng, ngẩn ngơ. Sau tôi đốt cuốn tạp chí đó đi, vì nói vậy chứ dẫu sao cũng là sách của ngụy, nhưng chiếc ba-lô dù của Tám Hiếu còn theo tôi ra Bắc và chiếc bàn cạo râu thì sau đó cả chục năm tôi mới dùng đến và đôi khi tôi vẫn tò mò tự hỏi, không biết số phận Tám Hiếu cũng như đoạn kết truyện cô giáo Sài Gòn và người lính Cộng Hòa, tên Nhơn, ra sao.

Hôm sau, 9/11, Anh Hiền cho người chuyển gấp bản sơ đồ tôi vẽ về Ban 2. Ngay sau đó 2 ngày, 11/11, anh Hiền lại giao cho tôi nhiệm vụ mới. Lần này là vẽ cảnh đồ chứ không phải sơ đồ, cảnh đồ cầu Quảng Trị. Nôm na thì cảnh đồ là chụp ảnh bằng bút chì.

Anh Hiền cho Tiến lớn dẫn tôi đi. Cũng hiên ngang từ Ái Tử rồi lom khom chạy kể từ đoạn quốc lộ 1, hết Nhan Biều ngược lên An Đôn. Tôi đã ít nhiều từng trải hơn, dù mới chưa đầy 1 tuần. Tôi men theo giao thông hào của chốt bộ binh ven sông, tìm một chỗ dễ quan sát nhưng kín và an toàn để vẽ. Nhớ chỉ được nhìn bằng mắt thường, không dùng ống nhòm, đề phòng phản chiếu ánh sáng trên mắt kính, địch dễ phát hiện. Mấy cậu lính bộ binh trên chốt cảnh báo tôi phải hết sức coi chừng vì quanh khu cầu địch rất hay “đòm” sang, thường là bắn chơi chơi, hú họa vào các bụi cây thấy động đậy ven bờ bên kia, có khi chỉ là chim, chuột hay gió đùa với lá. Thì lính ta cũng thế.  

Từ Bắc vào, qua Đông Hà, quốc lộ 1 và đường sắt tách xa nhau, thành một vòng cung, để rồi lại gặp nhau tại cầu thị xã Quảng Trị. Hai cây cầu đường bộ và đường sắt nằm kề nhau, cách nhau chỉ vài chục mét. Cầu đường bộ mới bị đánh sập trong chiến dịch Quảng Trị, còn cầu đường sắt chắc là bị sập từ thời chống Pháp. Khi ở lớp binh địa d74, tôi quen vẽ cảnh đồ với nền phông phía sau là những rặng tre, rặng nào cũng giống rặng nào, cong cong, vồng vồng, chung cho cảnh trung du Ba Vì. Lần này, ở tâm cảnh là 2 cây cầu, một đầu rục xuống sông, một đầu gối lên bờ nam, còn phông cảnh phía sau nham nhở, đổ nát, nổi lên cao nhất là dãy xương nhà của trường Bồ Đề phía xa xa, không còn dáng dấp của một thân cây, cụm lá nào. Nét chì run rẩy, gẫy đứt, gập gục, dị dạng.      

Nhận lệnh thì vẽ thôi chứ thực tình tôi không rõ lắm về ý nghĩa quân sự của bức cảnh đồ với 2 cây cầu đổ.  Tò mò hỏi thì  Anh Hiền giải thích: “Mấy bọ trên sư bộ cãi nhau, lão bảo 2 cầu, lão bảo 1 cầu. Chỉ xem bản đồ thì còn tranh cãi. Bản đồ chiến lược, chiến dịch (1:100.000, 1:500.000) thì vẽ 1 cầu, bản đồ chiến thuật (1:50.000, 1:25.000), chi tiết hơn thì là 2 cầu. Có xuống chó đâu mà biết 1 hay 2. Cứ trinh sát đâu, trinh sát đâu?”. Sau này, nghe mấy anh trên Ban giải thích: Sau trận địch tập kích Nhan Biều không thành, có ý kiến đề xuất ta nên chủ động cho công binh phá sập hẳn 2 cây cầu, đề phòng địch tận dụng tấn công sang bờ bắc. Trước khi quyết định, sư đoàn yêu cầu Ban 2 báo cáo về thực trạng 2 cây cầu lúc đó.            

Ngay tuần đầu thấy mình hợp việc, được việc, cũng phấn chấn, nhưng tôi cũng dính một lần chết hụt. Đó chính là hôm tôi và Tiến trở về cao điểm 20 sau khi vẽ cảnh đồ cầu. Qua Nhan Biều, khom khom vượt qua quốc lộ 1, tôi và Tiến thũng thẵng đi. Đến một khoảng đất phẳng và trống, giữa có một chiếc hầm rất to, dày dặn, vững chãi, không có lính ở, 2 đứa rẽ vào nghỉ, mang gạo sấy và thịt hộp cánh bộ binh dưới chốt vừa “kỷ niệm” ra ăn. Ngồi chưa nóng chỗ thì nghe có tiếng pháo nổ, túc tắc quả một. Tôi nghĩ, trong hầm kiên cố, pháo vu vơ, kệ nó. Nhưng đến quả thứ 5, thứ 6 gì đó thì Tiến phát hiện ra là chỉ nghe toàn tiếng pháo khoan, mà càng quả sau càng nhích gần về hầm. Thôi chết rồi, nó chỉnh pháo nhằm vào hầm mình rồi. Pháo nổ, pháo chơm mà không vào hầm thì toi, chứ pháo khoan thì ngược lại, càng trong hầm càng chết. Tiến ra lệnh bỏ hầm, không kịp ăn, ôm đồ chạy. Về đài, kể lại chuyện, Anh Hiền cười: “Khá, hầm lù lù như vậy, 2 thằng súng báng gấp nghênh ngang, trêu tức  bọn trinh sát pháo trên đồi La Vang.  Chui vào đấy cho nó “khoan” thì bằng “bia sống” cho chứ còn gì!”. Tôi run run ghi bốn con số Một vào nhật ký (11/11). Sau này, khi ra khỏi quân đội, xem lại nhật ký, tôi giật mình khi tình cờ phát hiện ra mình đã sống đúng 1.111 ngày trong quân ngũ và chợt nhớ đến bốn con số Một ghi trong nhật ký từ Bảy Hai ở Ái Tử.

11/11:
Bốn con số 1 là sự may hay rủi. Hút chết. -Ái Tử. (Q.2-Tr.16)


Sau hai lần chết hụt ở Sơn Tây và Khe Sắn (Quảng Bình), chỉ riêng với Ái Tử tôi đã có thêm vài lần nữa ơn trời thoát chết, trong đó có 3 lần với đạn pháo và 1 lần với B52.

Ái Tử, nhất là khu vực cao điểm 20, rất gần chiến tuyến, nên thường chỉ có đạn cối hoặc pháo tầm gần, hãn hữu mới có máy bay chiến thuật bổ nhào ném bom chứ chưa khi nào bị máy bay chiến lược B52 rải thảm. Trận bom B52 hôm 4/12 là một ngoại lệ, bất ngờ. Hôm ấy, khoảng 3-4 giờ chiều, tôi thủng thẳng đi từ Nhan Biều lên, dừng lại ít phút làm ván cờ với Bình và mấy trinh sát pháo ở chiếc hầm kề bên một chiếc con-ten-nơ rỗng. Mấy trinh sát khác đang tắm giặt trong lòng một hố bom sâu, nước trong xanh. Chia tay Bình, tôi đi vòng qua mấy hố bom cũ để về đài. Mới đi được khoảng 20-30m thì bom ập xuống. Tôi nằm ẹp ngay trên mặt đất. Tối tăm mặt mũi. Bom nổ rất gần nên chỉ nghe bịch, bịch. Mấy quả nổ quanh tôi giã choét mấy khung nhà tôn của căn cứ ngụy cũ. Sau tiếng quả “bom lạc” cuối cùng là cơn mưa của mảnh đạn, mảnh gỗ, tôn, sắt, đất cát. Chúng múa vù vù trên đầu, để rồi rơi lịch bịch quanh mình. Tôi vội nhỏm dậy, ngồi thu lu bó gối để giảm nhỏ hơn phần thân thể hứng đòn, hồi hộp nghe đất cát gõ lọc cọc trên mũ cối. Trận ấy, một quả bom rơi trúng hầm của trinh sát pháo, bốc cả chiếc công-ten-nơ hất xuống chân đồi. Bình, bạn cờ tướng mới quen của tôi bị hy sinh. Thì ra đêm trước, tranh thủ trời mưa to, ta đưa mấy xe tăng vào hầm ém sát quốc lộ 1, ngay ven Nhan Biều, chắc thám báo bên thị xã nhận ra tiếng tăng trong đêm nên hôm sau gọi B52 đào bới sát ngay Nhan Biều, Ái Tử. Về đến hầm, tôi nói với anh Hiền: Cánh trinh sát pháo bị bom, mình cho người sang xem sao. Anh Hiền bảo: Không được, ngay sau B52 địch rất dễ có pháo kích, nhất là nơi địch ta nhìn nhau rất rõ thế này.

Không hiểu vì sao trận B52 đó chúng tôi không được Ban 2 báo trước. Nhưng sau đó 4 ngày, chúng tôi lại nhận được “Báo động B52” khu vực Ái Tử, nhưng không báo chính xác giờ. Về sau thì quen, chứ lần ấy, lần đầu có cảm giác ngồi thi gan, đợi “B52 huỷ diệt”, nhất là chỉ 4 ngày sau lần chết hụt bom B52, tôi phải cố giấu cảm giác thật, vì quanh mình, mọi người trong đài thật sự thản nhiên, có thể vì đã quá quen. Lần báo động ấy, B52 không đánh Ái Tử.  

4.12
Lại 1 cái mốc mới. Hai phút nhanh là sự sống và năm phút chậm lại là cái chết. Tôi nhớ lại dòng chữ ghi trong truyền đơn: Hung thần B52 đe dọa các chiến binh Bắc Việt.
Cái chết của Bình. -Ái Tử. (Q.2-Tr.21)

7.12: .
 ...  Báo động B52. Cả ngày nơm nớp. -Ái Tử. (Q.2-Tr.22)


Đài có 5-6 người, trừ Anh Hiền, Tiến lớn và tôi là bậc “lão làng”, được đặc cách, còn lại lân nhau làm anh nuôi. Mỗi ngày cắt một trinh sát chuyên quan sát và đếm số bom pháo địch bắn sang bên ta để báo cáo về ban, số còn lại ngồi trong hầm, hoặc giã “tiến lên”, thứ tổ tôm đánh nhọ nồi bôi râu của lính, hoặc xin cánh thông tin cho nghe nhờ đài tiếng nói Việt nam trên máy thông tin 2w, tiếng thì thầm, lẹt xẹt như ga-len. Anh Hiền không dự tiến lên, cũng không cấm nhưng luôn nhắc: “Ngồi san hầm ra, thằng chết còn có thằng chôn”. Lính chẳng sợ.

Chiến trường ác liệt thật, nhưng kỳ diệu đến khó tin là ngày nào cũng vẫn có chỗ cho một nốt lặng thần tiên, một lát chiều tà mong manh, mỏng mảnh, yên bình, khi khói màu hung hung của bom đạn loãng dần, tan vào sương khói màu lam tự nhiên của hoàng hôn và cổ tích. Cứ như phút giải lao, ngừng bắn, tuyệt không bom, không pháo suốt miền Đông, Cửa Việt, qua Cổ thành lên miền Tây, động Ông Do. Lính ta chui ra khỏi hầm, vươn vai, xốc quân phục, không chút ngượng ngùng đứng ngay đầu hầm, hướng sang phía đối phương, giải quyết bức xúc, nom rất khiêu khích, rồi hối hả người đi hái rau, câu cá, săn mèo, người xuống hố bom tắm, chỉ chú ý nhìn kẻo vấp bom bi và đạn cối cá nhân (M79) nhan nhản trên mặt đất. Bên kia, phía Long Hưng, La Vang, cũng thấy lố nhố lính ngụy trên nền trời loang lổ màu xám chì. Bùi ngùi giây phút hoàng hôn thanh bình ngắn ngủi cho đến khi lọp bọp tiếng pháo sáng bên kia báo vào đêm.  

(Còn nữa)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2010, 08:32:33 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 05:56:40 pm »

(Tiếp theo)

Tôi còn xuống Nhan Biều đôi ba lần nữa, chủ yếu là đi “tăng gia”. Trong làng, ngoài lính chốt ra cũng còn vài người dân, phần lớn là người già, trừ o Hồng, nhỏ nhắn, chuyện trò dễ thương, kẹt lại với 2 đứa con nhỏ. Lính trẻ, tuổi đàn em, rất thích ghé hầm o Hồng, trêu đùa hai đứa trẻ. Trinh sát chúng tôi thường hay ghé qua căn hầm của một mụ già ở giữa xóm (“mụ” là tiếng Quảng Trị, chỉ người phụ nữ cao tuổi, không hàm ý xấu). Ban đêm, quanh căn hầm của mụ mèo hoang về nhiều vô kể. Mụ chẳng có gì nuôi chúng. Vì thế, mỗi lần qua, mụ lại cho chúng tôi lủng lẳng xách về 2-3 chú mèo đựng trong vỏ bao cát, để mấy chú về trên căn cứ nuôi cho đỡ buồn. Với chúng tôi, kể cũng đỡ buồn thật, nhưng không phải do nuôi mèo mà là do món bún mèo. Cứ ngâm 3-4 cân gạo Trung Quốc vào thùng đạn đại liên, khoảng 3-4 ngày thì lấy ra, hong khô rồi giã, chày bằng lựu đạn mỏ vịt Mỹ bỏ ngòi nổ đi, cối là mũ sắt Mỹ, khuôn bóp bún chế từ lỗ thở của mặt nạ phòng độc Trung Quốc, dãy lỗ to phía trong cho sợi bún như chiếc đũa, dãy lỗ nhỏ vòng ngoài lại chuốt ra những sợi bún mảnh như que tăm, thành bún ông lẫn với bún cháu, bún mẹ lẫn với bún con. Ăn mãi thịt hộp, lương khô, bữa nào cải thiện bún mèo với canh rau dền gai, coi như đặc táo, nghe tươi và rôm rả lắm.      

Một đêm cuối tháng 11, Anh Hiền sang hầm tôi, theo sau là Hồ Bảo. Từ buổi chia tay ở Hà Tĩnh, Lê Minh và tôi ra Bắc học binh địa, Hồ Bảo ở lại, bây giờ mới gặp lại nhau, mừng lắm. Chỉ nghe nói Hồ Bảo đã trưởng thành và vững chãi rất nhiều. Anh Hiền về hầm, còn lại 2 đứa, tưởng sẽ thâu đêm chuyện cũ, chuyện mới, nào ngờ Hồ Bảo phải đi ngay. Đêm ấy, Bảo cùng 2 chiến sỹ đặc công nhận lệnh vượt Thạch Hãn sang thị xã trinh sát địch. Sao lại mạo hiểm chọn vị trí dày đặc quân và mìn này để trinh sát? Tôi thoáng nhớ đến đợt phản công thăm dò qua sông của Thuỷ quân lục chiến hồi đầu tháng. Chuẩn bị cho một trận như vậy nhưng là từ phía mình chăng? Chiếm lại thị xã chăng?

Bảo trịnh trọng đưa tôi một gói vuông viêng bọc bằng túi ni-long bao gạo: “Tài giữ cho mình những kỷ vật này, nếu có gì ..., Tài chuyển gói này về cho mẹ mình, H5- A9 Nguyễn Công Trứ”. Đột ngột, sững sờ, thiêng liêng. Hồ Bảo chủ động mở bên trong cho tôi xem qua. Lâu rồi, không nhớ hết trong gói có những gì, nhưng ấn tượng nhất là một cuốn sổ, hình như sổ thơ, trong có một bông hoa đã ép khô. Hồ Bảo tần ngần, nâng niu bông hoa. Tài có biết hoa gì không? Không! Một loài hoa chỉ có ở phương Nam thôi. Hoa đã khô, màu vàng nâu, nhỏ như hoa mận, hoa đào. Tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy loài hoa này, nhưng ngầm biết vì sao Hồ Bảo nâng niu nó. Hoa mang tên một người em bạn của Hồ Bảo, hiện cô đang học ở một thành phố xa xôi ở Châu Âu. Tôi có nghe Lê Minh kể loáng thoáng về tình cảm của Hồ Bảo với cô gái. Đẹp, nên thơ và mẫu mực như trong tiểu thuyết. Hồ Bảo đọc cho nghe vài đoạn thư gửi về từ xứ tuyết. Nghìn trùng mới đến được chiến hào. Tôi nhớ có một lá thư viết dưới gốc sồi cổ thụ, trong giờ nghỉ trưa, khi “đi khoai tây” ở nông trang. Tự hào tưởng tượng Quảng Trị như Stalingrat thời chiến tranh vệ quốc bên Nga, Hồ Bảo như một chiến sỹ hồng quân Liên Xô, anh là “Người hùng”, của chung cả nhóm nữ lưu học sinh. Tôi nói với Bảo về tích “cây sồi và công tước Bonconsiki” mà cô gái nhắc đến trong thư.

Tối hẳn thì Bảo đi. Mãi đến sáng sau, tôi chỉ nghe nói 2 người lính đặc công đã về, nhưng không thấy Bảo. Suốt đêm cũng không nghe tiếng súng. Tôi bàng hoàng. Sao mọi chuyện lại có thể dễ và nhẹ như đùa vậy.
Nhưng khuya hôm sau thì Bảo về. Giời ạ, tưởng hy sinh rồi. Đêm trước, Bảo cùng 2 chiến sỹ đặc công vượt sông sang thị xã. Bảo bơi trước. Qua khoảng giữa sông, Bảo quay lại không thấy 2 người lính đặc công đâu. Bảo quyết định bơi sang trước. Đến bờ bên kia, Bảo chờ mãi đến tận gần sáng vẫn không thấy 2 đồng đội sang. Về cũng dở. Bảo quyết định tìm chỗ trụ lại bên địch để trinh sát. Bảo đã ngụy trang và nằm lại một ngày trên một ụ đất cao. Gần địch, xa ta. Nắng nóng, căng thẳng. Nghe rõ quanh mình tiếng chuyện trò, sinh hoạt của lính ngụy.

Sau này, Bảo được đi báo cáo điển hình Hội nghị thanh niên quyết thắng sư đoàn, rồi báo cáo điển hình quân khu và nhận Huân chương chiến công về một ngày đêm thật sự căng thẳng và dũng cảm đó.
Dư âm của những xúc động và căng thẳng từ câu chuyện lãng mạn của Bảo với những cô gái nghiên cứu sinh xa xôi và cuộc vượt sông Thạch Hãn sang thị xã Quảng Trị đêm cuối năm Bảy Hai ấy còn đọng lại trong tôi tới nhiều ngày sau.

23.11
 Nghĩ mãi về Hồ Tú Bảo và lối sống của Bảo. Có phải là mẫu không? -Ái Tử. (Q.2-Tr.17)

10.12
Dũng cảm vượt qua lòng tự ái ích kỷ và tầm thường để nói rằng: “Tôi thật sự ước ao có 1 người yêu như vậy”. Những cô gái ở đất Nga xa vời vợi mà tôi chưa 1 lần gặp mặt đã đến trong tôi từ khi nào không hay. Tôi mê những tâm hồn đa cảm.
Hôm nay thấy gần gũi hơn với Bảo.
Qua một đêm khó ngủ. Những ý nghĩ miên man về những điều cũng miên man -Ái Tử. (Q.2-Tr.22)


Cũng trong những ngày ác liệt cuối Bảy Hai ở Ái Tử, tôi nhận được tin về Lô, Dương Văn Lô, một người bạn chơi với tôi từ khi học lớp 5, rồi cùng học với nhau 6 năm, tới hết lớp 10, và thất lạc tin nhau đã hơn 1 năm.

Làng Lô mãi xa trong chân Tam Đảo. Hết lớp 10, Lô không đỗ đại học, ở nhà, lấy vợ sớm rồi nhập ngũ khi tôi còn đang học năm thứ nhất. Lô tin tôi, chuyện gì cũng hỏi tôi, cũng nghe tôi, trừ chuyện lấy vợ sớm là Lô giấu tôi.

Khi tôi mới nhập ngũ, Lô không biết, vẫn gửi thư về trường cho tôi. Lô kể nhiều về bom đạn ác liệt ở chiến trường. Trong một lá thư, Lô nói bạn bè cùng làng có mấy đứa đào ngũ. Lô cũng lung lay. Lô hỏi ý tôi. Ngay hôm sau tôi viết thư trả lời Lô. Chắc chắn câu trả lời là: Đừng, đừng!  Mãi sau này, rất sau này, tôi mới phần nào hiểu được tình cảm của những người lính trẻ đã có vợ trước khi ra trận.

Sau lá thư trả lời Lô, chúng tôi mất tin nhau, hơn một năm, cho đến khi nhận được tin Lô qua một người đồng hương, một tin buồn. Không, không phải tin buồn Lô đào ngũ mà là Lô mới hy sinh trong một lần đi gùi gạo, đâu đó trên miền Tây Quảng Trị.

Lá thư với lời khuyên “đừng!” của tôi có đến tay Lô không, chắc chỉ Lô biết? Một người bạn như bao người bạn khác, một cái chết như bao cái chết khác, nhưng lại như là một “hội chứng” rất riêng tư của tôi, một món nợ mơ hồ nhưng cứ nhớ đến là lại nghẹn thắt ở ngực và thấy mọi thứ trước mắt mờ nhoè đi.

3.11.71
Buổi tối, nhận được thư của Lô gửi về trường, Hiền gửi lên đơn vị cho. Thư của Lô kể về nỗi bất hạnh, rủi ro đến với Lô. Thư Lô tâm sự về cuộc đời. Cuộc đời! Ý của Lô) là một chuỗi những tan vỡ, đổ nát của vô vàn ước vọng. Cuộc đời với thừa thãi tất cả những ý nghĩa chua xót của nó.
Thư Lô kể về gia đình. Những người thân của Lô nhủ Lô đào ngũ. Không giận Lô, không ghét Lô mà chỉ thấy mến Lô và hơn cả là thương Lô. Chỉ căm giận nơi mà Lô đứng để coi đời. Cái góc cạnh rủi ro, hẩm hiu mà Lô đứng soi cho Lô rõ một góc trái tối tăm, riêng của đời. (Q.1-Tr.48)

4.11.71
Đi bắn xạ kích. Đồi dẻ trắng ngà những tán hoa.
Kết quả bi đát của đợt tập và bắn đạn thật. Gửi thư cho Lô và Bố  Mẹ. (Q.1-Tr.49)

11.12.72
Hoà bình đã đến trong tầm tay. Lô chết rồi ư. Kỷ niệm sống lại xót xa.-Ái Tử. (Q.2-Tr.23)


Sau 81 ngày đêm giữ thị xã rồi trận địch nống sang bờ Bắc nhưng thất bại thảm hại, Nhan Biều, Ái Tử cũng dần dần bớt căng thẳng. Địch phải từ bỏ hẳn ý định nhòm ngó Bắc Thạch Hãn cho đến tận 1975, ta tràn qua giải phóng hoàn toàn Quảng Trị.

Ngày 15/12, Ban 2 gọi Anh Hiền về nhận nhiệm vụ mới. Ba ngày sau, tôi cũng được gọi về C20. Thế là chấm dứt gần 1 tháng rưỡi với Nhan Biều, Ái Tử, những tháng ngày đùa bỡn với sống chết không bao giờ quên.

15/12
Ngày lẻ, rỗi rãi. "Nhàn cư vi bày vẽ", ngày nào cũng giửo trò làm bún, cái cảnh hì huịm tất bật thấy cũng vui vui. Lại thấy nao nao nhớ một cái gì không rõ rệt.
Anh Hiền về Ban.
Còn lại 7 người. Ái Tử (Q.2-Tr.24)

18.12
 Nhận lệnh về tuyến sau. Tạm biệt khoảng đất khốc liệt ven thành Quảng Trị. -Ái Tử. (Q.2-Tr.24)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2010, 08:40:15 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Xê 20
Thành viên
*
Bài viết: 13

Sao và Sao


« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 08:08:53 pm »

      Đã hơn 2 giờ sáng rồi, tôi vân không ngủ được. Ngày hôm nay là ngày giỗ của đại trưởng Hiền. Chiều qua, chúng tôi từ Hà Nội lên phố Thắng Hiệp Hòa Hà Bắc gặp bác Thanh. Suốt chiều hôm kia, ngay sau khi 6971 đưa thông tin tìm anh Hiền lên trang web của Hiệp Hòa, Bác Thanh đã đi tìm hai địa chỉ. Rất vất vả nhưng đã tìm đến tận nhà đại trưởng Hiền. Bác Thanh dẫn chúng tôi về nhà a.Hiền. Chuyện ở nhà a.Hiền, bác 6971 sẽ kể lại. Hết sức cảm động.

       Cảm ơn bác Thanh. Một con người nhiệt thành, chu đáo. Nói như cách nói của Bình Yên, bác ấy cũng "Khùng" lắm !
      đây là bác Thanh. Xin bật mí, bác ấy cũng là lính đánh ở khu vực Lão Sơn đấy ạ !

Xin gửi các bác một đường link đến những thông tin liên quan cuộc tìm kiếm may mắn và linh thiêng nói trên

http://hiephoa.net/site/index.php?option=com_content&view=article&id=1125:b1125&catid=81:van-hoa&Itemid=516

Xê 20
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #66 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:35:46 pm »

8. Phục bắt thám báo ở Phương Thúy

Đại đội trinh sát sư đoàn thường chỉ có chừng non nửa quân số ở hậu cứ ở gần Ban 2, gần sư bộ, còn lại hoặc đi công tác lẻ, hoặc nằm ở các đài quan sát. Tôi từ đài Ái Tử về hậu cứ, khi đó đóng ở Cao Hy, thì đại đội trưởng Hiền đã chuyển đi trung đoàn 2 (e95). Trung uý Đinh Ngọc Ngơi, trước là trợ lý Ban 2, về thay. Gặp lại cả Lê Minh, Hồ Bảo. Mừng quá.
 
Ở Ái Tử, tuyến trước, nhìn thấy địch trước mắt, trong tầm đạn, lúc nào đi đứng cũng phải lom khom, căng thẳng theo một cách. Về tuyến sau, xa địch, được đi thẳng lưng nhưng lại căng thẳng theo cách khác, không kém, thậm chí hơn. Tuyến trước chỉ có cối địch bắn như trẻ con trêu chọc, ném đá, chửi nhau. Tuyến sau, pháo biển, pháo tăng tầm, phản lực bổ nhào và nhất là B52 rải thảm, không đùa được.

Nhưng tình cờ, những ngày cuối tháng 12, khi tôi rời Ái Tử về tuyến sau, cũng là lúc địch tập trung B52 đánh Hà Nội. Trận tập kích trên không đáng xấu hổ của Mỹ. Quảng Trị những ngày này không còn những vạt khói bom B52. Riêng ngày 25, Noel, ngày ngừng bắn, Cam Lộ thật sự thanh bình. Tôi gặp trên đường Chín nhiều tốp bộ đội đi như dạo chơi, gặp cả những sỹ quan đứng tuổi đi cùng các cậu liên lạc trẻ măng, tận tụy. Họ là chỉ huy các đơn vị, ngày thường không thấy bóng dáng họ đâu.

Thật éo le, trong những ngày thanh bình ít ỏi ấy những người lính tiền phương lại đăm đắm lo cho người thân của mình ở hậu phương. Tôi cũng vậy. Lo cho Hương Canh, liệu có bình yên. Làng tôi làng gốm, chuốt vại, nặn tiểu, có trận địa, doanh trại, nhà máy gì đâu, thế mà trước đó cũng đã chịu 2 trái bom và  một lần F4 cháy rơi ngay cổng Vam, chết oan 2 người dân lành. Một đêm khác máy bay Mỹ cháy rơi ở đâu không rõ, nhưng dù và viên phi công đã chết lại rơi thụp xuống Hủng Giếng, dân quân làng nhốn nháo cả đêm. Tôi lo lắng hôm trước thì ngay hôm sau, đêm 26/12 định mệnh, người Hà Nội mãi mãi nhớ, bom B52 tàn sát hàng trăm dân lành ở Khâm Thiên.

25.12
Ngày thanh bình. Thanh bình rõ rệt nhất. Cảm giác lâng lâng như tìm ra một ốc đảo.
Viết thư về cho Cha Mẹ. Chiến tranh đã đến với Hương Canh yêu dấu của ta chưa? Ta ước mơ được làm một ngọn gió để bồng bềnh theo những bông mây trắng thanh bình kia. - Ngày ngưng bắn. Cam Lộ. (Q.2-Tr.26)

31.12.1972
Năm trước nữa, mình đã ghi vào nhật kí: “Ngày cuối năm mỏng dính trên lốc lịch …”. Khi ấy là mùa đông năm 1970. Còn mùa đông 1972 phải ghi là: Tiếng bom và pháo của đôi bên hối hả tiễn một năm vào dĩ vãng.
B52 kẻ những vệt trắng trên làn da trời xanh thắm thặm. Niềm hy vọng 72 sẽ là dấu chấm hết, đặt sau 2 chữ Chiến tranh, giờ đã trở thành hão huyền.

Ngày cuối năm, lại miết mải đi vào Ái Tử. -Ái Tử. (Q.2-Tr.26)


Thời kỳ căng thẳng, tiểu đội trinh sát kỹ thuật (a12) ở trên sư bộ cùng Ban 2, không sinh hoạt với c20. Một trong những nhiệm vụ chính của a12 là thu thập thông tin đối phương, chủ yếu nhờ các phương tiện kỹ thuật thông tin, kết hợp với kỹ thuật giải mã và kiến thức tiếng Anh. Ở a12 có mấy trinh sát rất giỏi tiếng Anh: Anh Tỉnh vừa tốt nghiệp, các anh Vinh, Thân học năm cuối Đại học ngoại thương, anh Duyên năm cuối Đại học sư phạm ngoại ngữ. Giai đoạn đầu, địch thường chủ quan, không thèm mã hoá các nội dung trao đổi qua vô tuyến giữa hạm đội Mỹ ngoài khơi và các căn cứ trong đất liền, giữa Mỹ và ngụy, giữa cấp chiến lược và chiến thuật, cứ “Xì xồ, yes, no, OK” liến thoắng. Các thông tin mật ta khai thác được thì tôi không được biết, nhưng thiết thực nhất với chúng tôi hồi đó là thông tin về các toạ độ có khả năng địch sẽ rải bom B52 trong ngày.

Ngày 10/1, Ban 2 nhận được thông tin từ a12, địch tổ chức thám báo vượt sông sang trinh sát ta trên miền tây, thuộc địa phận e95, toạ độ xyz. Ban 2 yêu cầu c20 khẩn trương tổ chức phục bắt. Toán “thám báo phục bắt thám báo” do anh Thêm, trung đội trưởng mới lên đại đội phó làm trưởng nhóm, tôi là phó, phụ trách binh địa, cùng với 1 trinh sát võ thuật, Hùng “Côn” và 2 trinh sát thông tin. Sau khi nhận lệnh, tôi xem xét kỹ bản đồ và thống nhất với anh Thêm về địa điểm mai phục. Ngày 12/1 chúng tôi xuất quân về miền Tây.

12.1.1973
Động Ông Do đỏ lòm màu máu. Đêm trên ấy nhằng nhằng ánh chớp của pháo. Ban đêm, dưới ánh sáng hoả châu thấy rõ cái vòm lưng nhẫn nại, trơ trụi của “Ông lão Do” in lên da trời phương nam. – Phương Thuý.  (Q.2-Tr.28)


Chúng tôi chọn vị trí phục kích trên đoạn sông có cái tên rất thơ - Phương Thuý, bên này là chốt của ta, bên kia, đối diện cũng là chốt ta, nhưng ngược xuôi và phía sau không xa đều là chốt địch. Nếu thám báo địch muốn luồn sâu vào sau lưng ta, chắc chắn chúng sẽ chọn đoạn ngầm yết hầu ta dễ sơ hở này của Thạch Hãn để vượt sông.

Khu vực Tích Tường, Như Lệ, Phương Thúy trên miền Tây

Sau khi liên hệ và hợp đồng chặt chẽ với bộ binh e95 đang chốt tại chỗ, toán chúng tôi được nhường 2 hầm, mỗi hầm đủ cho 3 người. Tôi chung hầm với 2 trinh sát thông tin (đáng tiếc tôi không còn nhớ tên). Công việc ban ngày là đánh tiến lên với bộ binh và ngủ bù, đêm đến xuất quân đi phục. Riêng tôi có nhiệm vụ hoàn thiện sơ đồ bố phòng ta địch quanh vùng Phương Thuý. Phía ta, vùng này không còn dân, chỉ có chốt bộ đội và ngút ngàn cỏ tranh. Anh Thêm cho Hùng hộ tống tôi. Chúng tôi bắt đầu vẽ phần bờ bắc sông Thạch Hãn trước.

Hàng ngày, khoảng 10 giờ đêm nhóm đi mai phục nai nịt gọn gàng ra điểm phục kích. Nhóm đi phục đêm có 3 người, do anh Thêm phụ trách, riêng tôi và 2 lính thông tin được ở lại hầm. Mỗi người đào một hố cá nhân, cách nhau chừng 10 mét, liên lạc với nhau bằng dây võng, giật giật. Anh em kêu: vừa rét, vừa muỗi.  

Trưa 14/1, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời, tình cờ tôi được chứng kiến một trận đọ súng của bộ binh ta và địch. Chẳng hề giống như tôi hằng tưởng tượng, cũng chẳng giống các cảnh trên phim. Đang ăn cơm trong nhà âm, chúng tôi nghe có tiếng súng bộ binh đì đùm phía bên sông, cách chỗ tôi khoảng 500-600m. Ai đó nói: Bộ binh đánh nhau rồi! Tôi thật sự rạo rực, lúng túng xen lẫn tò mò, vội vớ khẩu AK báng gấp và chiếc ống nhòm rồi lom khom chạy theo giao thông hào ra sát bờ sông. Tôi căng mắt nhìn. Bên kia sông, thấy loáng thoáng bóng 2 chiến sỹ ta, chạy chạy, nấp nấp sau những lùm cây lúp xúp. Không nhìn rõ các anh bắn, nhưng nghe tiếng AK pằng pằng, nhịp đôi, tách bạch, bình tĩnh. Tôi phục lắm, đúng là tiếng súng của cựu binh. Cũng chẳng thấy địch đâu, nhưng nghe tiếng cối cá nhân của địch lụp bụp kèm theo vài đám khói bụi màu nâu. Cánh trinh sát bọn tôi, đứa thì nháo nhác, đứa thì tò mò, chứ mấy lính bộ binh bên này sông vẫn bình thản, nhẩn nha mang vỏ thùng lương khô xuống sông xách nước. Khoảng 10 phút sau, tất cả lại yên ắng.      

Sau hai đêm thức trắng phục kích, vừa lạnh vừa muỗi mà chưa gặp thám báo địch, anh Thêm điện về xin ý kiến, Ban 2 ra lệnh phục thêm một đêm nữa, đêm 15/1, một đêm không bao giờ quên.

Đêm cuối cùng, nhóm đi mai phục xuất kích sớm. Còn lại hầm bọn tôi, 3 đứa cắt nhau gác như thường lệ, hai trinh sát thông tin gác phiên đầu và cuối, tôi gác phiên giữa, khoảng 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Căn hầm gồm một nhánh chữ A kiên cố nối vuông góc với một khoảng hầm vuông, rộng bằng chiếc chiếu, sâu đến ngang thắt lưng, mái lợp và ngụy trang cỏ tranh sơ sài, gọi là nhà âm. Hầm chữ A để ngủ, hẹp nhưng co quắp vẫn đủ vì đằng nào cũng chỉ 2 đứa ngủ, còn 1 đứa phải ngồi gác. Nhà âm là nơi để ba-lô, bát đũa, ... ban ngày là nơi ngồi chơi, ăn cơm, đánh bài, ban đêm là chỗ ngồi gác, có động tĩnh gì thì tụt vào hầm.

Tôi nhận giao gác xong, đang nghĩ bâng quơ về trận đọ súng ngắn ngủi trưa hôm trước thì thấy một quả pháo sáng do máy bay thả, sáng loá, soi rõ đến từng ngọn cỏ. Bầu trời Quảng Trị, nhất là miền Tây và những đêm tối trời, không có trăng, từ chập tối đến sáng, hiếm khi nào không có pháo sáng. Chủ yếu là pháo sáng do bộ binh địch giật cầm canh. Khi nổ và phát sáng, mỗi quả có một miếng dù trắng rộng bằng chiếc lá sen, đủ cho pháo sáng treo lơ lửng trên không khoảng 1-2 phút, rọi sáng khu gần chiến tuyến. Pháo sáng do máy bay thả thì hôm có, hôm không, thả sâu sang đất ta, mỗi quả được treo bằng một chiếc dù gồm 2 dải dù trắng ghép thành hình chữ thập, dài rộng vài mét, lơ lửng trên không được vài phút, sáng trắng như đèn măng-sông, toả sáng một vùng cả vài cây số .

Tôi lụi cụi lên khỏi nhà âm, nhìn theo chiếc dù pháo sáng lơ lửng không xa, định vị chính xác để sáng sau ra nhặt dù. Chiếc dù pháo sáng bay chênh chếch về phía tây rồi lấp sau mấy lùm cây đầu hầm. Tôi phải rời nhà âm, men men bờ đất để nhìn bám theo.

Xa hầm khoảng 20m, vừa lúc chiếc dù pháo sáng lịm dần và rơi gần đến đất, phía mấy quả đồi cỏ tranh phía tây, thì chợt thấy loé sáng như chớp và tiếng nổ rách nhọn của pháo, rất gần. Tôi ngã chúi chụi xuống bờ đất. Chắc chỉ khoảng 2 hay 3 tiếng nổ, không phải pháo bầy, chỉ là pháo vu vơ cầm canh, tâm lý, nhằm hạn chế hoạt động của đối phương trong đêm. Quả pháo sáng cũng đã tắt, trời lại tối đen. Tôi cũng không định thần được pháo đã nổ chỗ nào, chỉ biết quanh quanh gần, mùi khét lẹt.

Tôi lần trở về hầm, chân tay vẫn run run thì chao ôi, một quả đạn pháo vừa rồi đã nổ đúng giữa căn hầm âm, nơi cách đó vài phút tôi vừa ngồi gác. Ba-lô, mũ cối, bi-đông, bát, nồi, ... tả tơi, tan nát. Hai trinh sát thông tin trong hầm bị mảnh pháo tạt xiên vào. Họ đang tự băng bó cho nhau và cùng ngạc nhiên, mừng rỡ  khi thấy tôi vẫn còn sống. May là cả 2 đều nằm quay chân ra nhà âm nên chỉ bị thương ở chân.

Mặc dù thấy cả 2 người vẫn tỉnh táo nhưng nhìn thấy máu me đầm đìa nên tôi ríu cả chân tay. Tiếng là lính chiến nhưng quả thực tôi chưa nhìn thấy máu người bao giờ. Tôi vội chạy sang phía hầm bộ binh, nhờ cứu viện. May là nhóm đi phục kích cũng vừa về, vừa ta, vừa bạn, băng bó, cứu chữa, thêm bộ binh hỗ trợ cáng ngay 2 trinh sát thông tin đi trạm phẫu tiểu đoàn, đến gần sáng thì tạm ổn.  

Sáng hôm sau, 16/1, chúng tôi thu dọn, rời Phương Thuý, đi 6 về 4, trở về hậu cứ. Tôi bỏ lại nhà âm chiếc mũ cối và chiếc bi-đông rách nát, vương vãi mấy mảnh ống quần rách bươm và những vụn bông băng. Bàng hoàng, nao nao trút một tiếng thở dài “Ui chao!” vào nhật ký.

15.1.1973:
Hút chết! Lại một lần hút chết. Lần này tử thần lần đến quá gần. Hai người cùng hầm đều bị, trừ mình. Phương Thúy (Q.2-Tr.28)

16.1.1973:
Ui chao! -Phương Thuý. (Q.2-Tr.28)


« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2010, 10:42:33 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #67 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 10:28:10 am »

9. Đài trinh sát trên cao điểm 108

Đúng 10 ngày sau “Ui chao, Phương Thuý”, chúng tôi được Ban 2 thông báo: “Hiệp định ngưng bắn 4 bên” đã được ký kết. Những người lính đã khắc khoải mong chờ ngày này từ cuối tháng 10 năm trước, khi Hiệp định lẽ ra đã được ký nếu phía địch không lật lọng và ảo tưởng vào quả đấm B52.

Tám giờ sáng 28/1/1973, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực. Đêm 27 rạng sáng 28/1, vào cái khoảng khắc mà người ta thường gọi một cách văn hoa là “trước lúc bình minh”, tôi đang ở một căn hầm ven suối của hậu cứ ở Cao Hy, nghe đạn pháo râm ran bốn bề. Đạn lửa căng dây lên trời. Có cảm tưởng như 2 bên bắn cho hết đạn đi, bắn kẻo từ hôm sau sẽ không được bắn nữa, bắn để tiễn thời bom đạn, bắn đón hoà bình. Cảm thấy như đã vĩnh viễn kết thúc những tháng năm bom đạn nặng nề. Những dòng nhật ký rạo rực, ngất ngây sẽ ít phải mã hoá hơn. Đã trộm nghĩ đến quê hương, ngày về.

27/1/1973
Có lẽ đây là đêm cuối cùng còn đầy đủ dư âm của bom pháo.

Đêm cuối tháng nhờ nhờ thứ ánh sáng của những ngọn đèn sao thắp ở mãi tận một nơi xa vời, không đủ soi rõ một vật gì. Không gian và ý nghĩ đứt vụn ra trong tiếng dội vội vã của bom đạn.

Rõ rệt nhất trong ý nghĩ là nỗi đau lòng khi nhớ lại chú Hiếu & anh Độ, những linh hồn bất hạnh, nằm xuống trước lúc bình minh. Kỷ niệm trở về đầy ắp trong tôi. Đau đớn và thương tiếc. Năm tháng đã gắn chúng tôi lại trong một thứ tình cảm đồng đội, chân chất, mộc mạc.

Nhớ quá! – Cao Hy. (Q.2-Tr.)

28.1.1973
Đêm qua còn kịp nghe trận bom B52 cuối cùng (có lẽ là cuối cùng).

Sớm, không ngủ được. Khoảng 2 giờ đã nôn nao, trằn trọc. Bao nhiêu thứ tình cảm xốn xang, xao động trong tâm hồn. Nằm nghe tiếng pháo của 2 bên cấp tập. Tưởng tượng 4 lá cờ lớn đang tung bay. Một cái gì lâng lâng, lao xao tràn đến.

7 giờ kém 20, một chiếc OV “mù” hai thân rì rì chao qua đầu một lần cuối. Nhưng không phải là thứ tiếng rền rĩ, khó chịu như xưa nữa. Pháo nổ rộn rã. Những người lính sung sướng bắn rộn núi rừng.

7 giờ kém 5. Trời Quảng Trị trở nên mát mẻ trong cơn mưa lạc mùa.

Khoảng 8 giờ 30. Thanh bình, yên ả.

Chúng ta đã chiến thắng kẻ thù như vậy?

Nghĩ về Hương Canh. -Quảng Trị. (Q.2-Tr.)



Những ngày say sưa hoà bình không kéo dài. Sư đoàn thông báo: Nhanh chóng xác định, chúng ta sẽ bước vào một cuộc chiến đấu mới, lâu dài, phức tạp, không kém gian khổ và ác liệt.

Riêng với tôi, kể từ ngày quay ra Bắc học binh địa, hầu như chẳng còn dính gì với a8 thân yêu của thời Hà Bắc, Hà Tĩnh. Hết binh địa Sơn Tây, vào Quảng Trị thì biệt phái ngay Ái Tử với các a khác, b khác, rồi phục bắt thám báo Phương Thuý cũng vậy, chưa lần nào có dịp ngó ngàng đến “gia đình a8”.

Đã có rất nhiều thay đổi, mất mát. Chỉ một mùa hè Bảy Hai, a8 của tôi đã mất 3 người, 3 đồng đội thân yêu. Đỗ Triệu hy sinh khi mới vào Đông Hà vì trúng một miểng đạn pháo chỉ bằng hạt ngô, xuyên qua bụng. Em Hiếu hy sinh trên đài quan sát vì trúng bom khi đang ngồi chuẩn bị ăn cơm. Anh Độ bị mìn hay cối cá nhân trong một đêm trinh sát tiền duyên ở Như Lệ, đâu đó ngay trước hay sau khi tôi vào Ái Tử.

Tôi nhận quyết định chính thức về lại a8, làm a trưởng thay anh Độ. A8 đâu còn như xưa, người mất, người còn, người cũ, người mới. Tiểu đội chia thành 2 nhóm. Nhóm ở hậu cứ có Quế và Tuấn Anh. Số còn lại, 5 người, do a phó Lạp chỉ huy đang ở đài quan sát trên cao điểm 108, cách Cao Hy chừng 3 cây số. Sau 3 ngày ở hậu cứ, ngày 31/1, tôi nhận lệnh sáng sau rời Cao Hy lên cao điểm 108, thay cho Lạp về hậu cứ. Tôi biết lên đài thì buồn hiu và chẳng cần gì nhiều đến nghiệp vụ binh địa của tôi. Dù sao, quân lệnh là quân lệnh, lại khoác ba lô đi, cứ coi như được đại đội quan tâm cho đi an dưỡng.

1.1.1973
Lại nghe âm thanh của người bạn yêu dấu ấy. Sao mà say “hắn” đến thế. Mấy ngày xa, buổi sớm mai không được nghe cái âm thanh gần gụi ấy mà thấy nhớ da diết.

Ngày mai xa “ngươi” rồi. Hỡi con chim trong khóm cây đầu hầm có giọng hót say hồn, quen thuộc mà chưa lần nào ta nom thấy. - Khu A. (Q.2-Tr.)

1.2.1973
 “Y chu choa, nguy thay, than ôi,
Đường lên Thục khó như đường lên trời!”

Từ nay sẽ gắn bó với cái “đầu hói” cao 108m này. -CĐ 108. (Q.2-Tr.)


Cao điểm 108 là tên gọi theo bình độ trên bản đồ. Nó là điểm cao nhất trong bán kính chục cây số tính từ thị xã Quảng Trị, thuận tiện để bao quát toàn bộ chiến trường Quảng Trị. Lối lên cao điểm dốc đứng. Trên cao điểm có đài quan sát của c20 và một đài quan sát pháo binh. Mỗi đài có 2 hầm.   

Trên đài quan sát chỉ còn Ghi là lính cũ thời xóm Đồng, Hà Bắc, còn lại là 3 chiến sỹ mới: Lâm, Loan và Chỉ. Ghi vẫn như xưa, “Biết Tuốt” của a8 đấy. Quách Lâm, con trai phố Huế, hoa tay 10 ngón, thích vẽ và giỏi vẽ. Loan trắng trẻo, ỏn ẻn nhưng nghịch ngầm. Em út Chỉ, quê miền Trung, chân chỉ như tên, mộc mạc như ruộng lúa, luống khoai. Cả 3 chiến sỹ là mới với c20, là mới với tôi, nhưng đều đã từng sinh tử với Quảng Trị, được lựa chọn từ các trung đoàn, điều lên bổ sung cho c20.

Nhiệm vụ của chúng tôi trên đài thật đơn giản và nhạt nhẽo: đếm pháo địch bắn sang ta, bao nhiêu quả, tọa độ nào, tổng hợp báo cáo về Ban, tuần 1 lần. Hiệp định rồi nhưng vẫn chẳng ngày nào ngưng tiếng súng nên luôn có việc để làm.

Ngay trước hôm tôi lên đài, sáng 31/1, thấy pháo mịt mù phía Cửa Việt, có vẻ cả pháo ta, cả pháo địch, nhiều đếm không xuể, thôi áng chừng 1973 quả. Chẳng biết trong các bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam: “Tuần qua địch đã vi phạm Hiệp định n lần, bắn m quả đạn pháo sang vùng giải phóng ...” có phần đóng góp thông tin của chúng tôi hay không.

Với tôi, dù sao, những ngày trên “chóp 108” cũng là những ngày xả hơi sau Ái Tử, sau Phương Thuý. Chúng tôi đã đón một cái “Tết Hoà bình” đơn sơ nhưng đáng nhớ ở trên cao điểm này. 

3.2.1973
Đêm vẫn nghe tiếng ầm ì gần xa của súng và ánh sáng của hoả châu.

Bước vào một giai đoạn mới mà hướng đi của cả cuộc đời phụ thuộc vào nó.-108. (Q.2-Tr.)

Giao thừa!
Cả đến thuốc tím cũng không còn nữa! Viết bằng bút chì vậy.

“Mùa đông còn hết em ơi,
Mà con én đã gọi người sang xuân”

Đã lâu lắm rồi mới lại dám dè dặt ghi vào nhật kí: Có một niềm vui thật sự đến trong tâm hồn. Cuộc đời là thật sự của mình rồi. ......

Không rõ mùa đông đi hay mùa xuân về mà lâng lâng trong tâm hồn người lính trẻ. Đêm trừ tịch rạo rực theo những dây đạn lửa nối nhau bay vào vô tận, náo nức theo tiếng súng nổ rộn rã.

Mùa xuân về bâng khuâng trên miền đồi núi vừa trở lại thanh bình, còn rỗ nhằng rỗ nhịt những vệt bom B52. Rau má vội vã đội đất bom, “hồi sinh” xanh thắm thiết.

Xuân mới về nao nao sống lại trong kí ức những gì “vang bóng một thời” của cái thủa xa xưa nhiều mộng mị, say sưa đã thuộc về dĩ vãng.

Xuân đến nghiêm trang trong sự biết ơn và thương tiếc Trung Hiếu và anh Độ, bạn Triệu - Những người đã ra đi trước lúc bình minh.

Đầu năm, ngồi ghi thư về quê hương.

Mùa xuân “HS”. -Cao điểm 108. (Q.2-Tr.)

10.2.1973
Chập tối lại đánh nhau dữ dội ở vùng Như Lệ, Tân Mỹ. Nom đạn lửa hai bên bắn lên cũng biết là ác chiến.
Bắt đầu một giai đoạn mới. Giai đoạn củng cố tổ chức và nếp sống tế nhị cho tiểu đội và Giai đoạn Anh văn cấp tốc. Cả 2 đều là cần thiết, bổ ích nhưng sẽ tốn không phải là ít nỗ lực mà cũng chỉ có bây giờ là lúc thuận tiện nhất để tiến hành và thu lượm những vấn đề ấy.-CĐ 108. (Q.2-Tr.)

11.2
Đến chết đi được vì tiếng con chim Cu gầm ghì gáy nhỏ, gáy to nghe xa xa, gần gần vào lúc nửa buổi và tiếng nỉ non, dền dĩ, dai dẳng của loài chim Đa đa vào lúc cuối của ngày. Đến là tai hại vì cái thứ “tâm lí chiến tự nhiên” ấy.

Trong tiếng pháo xa xa, ồn ào vẫn vẳng về dư âm êm đềm “Cu, cù, cu” và “Bắt con tép kho cà”, nghe êm đềm, yên ả mà lại xối vào sâu xa. -Đài 108. (Q.2-Tr.)



“Hiệp định” rồi nên trên đài cũng nhàn chứ trước Hiệp định cũng ác liệt chẳng kém gì ở chốt. Chon von trên “đỉnh hói”, bom pháo hỏi thăm luôn. Tôi thường được nghe mọi người trên đài say sưa kể lại một kỷ niệm thú vị mới xảy ra ngay trước Hiệp định. Lần đó Ban 2 thông báo cho c20: 1 giờ chiều hôm sau có B52 rải đúng toạ độ xyz gồm 108 và lân cận. Nhận được thông báo chỉ có nghĩa là đề phòng, chuẩn bị tinh thần, chứ không có nghĩa là “sơ tán”. Lần đó, sư đoàn yêu cầu đài quan sát của c20 không được rời vị trí! Hôm sau, lính trinh sát trên cao điểm bảo nhau còn gì ngon mang ra ăn. Lính thì ngon nhất nếu có chỉ là lương khô, thịt hộp, kém ngon hơn thì rau má, rau tàu bay đầy quanh hầm. Liên hoan, xả láng xong, lính chia 2 hầm, ngồi quật “tá lả” với nhau, chờ B52 đến “tá lả” mình. Đúng 1 giờ chiều, B52 rải thảm thật, nhưng chỉ 1-2 quả tạt sườn phía đông cao điểm, không dính hầm nào, còn chủ yếu quét thành vệt theo các đồi thấp phía đông-bắc. Thở phào xong lại thở dài, có gì ngon đã dốc ra ăn cố ăn kiết, phí thế. Lầm bầm chửi mấy cha trinh sát kỹ thuật a12, hại mình.

Bây giờ nghe chuyện cũ đôi khi thấy khó hiểu đến bực bội. Sao ta lại biết giờ và nơi địch ném bom B52? Sao đã biết thế mà không bảo nhau tạm lánh đi, hèn nhát gì đâu, hết bom lại về? Thì cũng như lần nín thở đi qua quả bom nổ chậm ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình hôm hành quân vào Quảng Trị. Bãi cỏ hoang rộng mênh mông, sao không đi vòng, đi tránh xa quả bom nổ chậm mà cứ sấn theo con đường sát sạt với quả bom, với cái chết?

Thực ra lính không bao giờ có những câu hỏi như vậy. Chiến tranh có những lý riêng của nó, có cách hành xử riêng của nó, ngặt nghèo, chặt chẽ. Ý chí hay kỷ luật sắt là một cách lý giải, nhưng rõ ràng không thể nháo nhào, hỗn loạn trốn chạy nguy hiểm được. Nói theo kiểu lính: không ai chạy tránh bom đạn được, chỉ có bom đạn nó tránh mình. Đấy là gốc của những câu chuyện lính thì thầm kể với nhau về thần chết vác sổ đi tìm những người sợ chết. Nghe vô lý mà thật.

Phần lớn thời gian trên cao điểm là rảnh rỗi. Tôi bày cho Chỉ làm bún như hồi ở Ái Tử. Lại lấy tất chân và mặt nạ phòng độc Trung Quốc làm khuôn, lựu đạn mỏ vịt và mũ sắt làm chày và cối, gạo Trung Quốc ngâm vào thùng đạn đại liên USA. Chỉ học nhanh, làm rất khéo. Cánh trinh sát pháo tròn mắt xem Chỉ khéo léo vắt bún, nhưng bảo học để tự làm thì cánh ấy lắc đầu. Thôi, xin góp gạo, đến bữa vác mũ sắt sang nhận phần, ít cũng được.

Thú của Quách Lâm là vẽ. Tôi cũng gọi là biết vẽ từ khi học binh địa, nhưng chỉ vẽ lô-cốt, cầu cống, bình độ, đường xá, ... chứ vẽ người thì chịu, còn Quách Lâm vẽ có khiếu, gia truyền nghiêm chỉnh. Hết cảnh đồi, căn cứ, xe tăng cháy thì quay ra vẽ “Thằng Chỉ gác”. Cựu binh Ghi hay lọ mọ xuống núi, gần bữa ăn thì về, quẳng uỵch xuống đất, khi thì xâu cá, lúc đùm rau, có lần khệ nệ cả một thùng lương khô A72 còn nguyên niêm phong. Nó còn tính chuyện đi bắt ong rừng về nuôi lấy mật. Nghịch lắm, nhất quỷ, nhì ma, thứ ba thằng Ghi. 

Việc nặng nhọc nhất trên cao điểm là xuống suối lấy nước, nhưng cũng là việc thú vị nhất so với cả ngày ngồi buồn tẻ trong 2 căn hầm trên đỉnh cao điểm. Thường xuống suối lấy nước thì kết hợp luôn hái rau tàu bay, rau má, bắt cua suối hay chí ít cũng là tranh thủ tắm giặt.

Một buổi chiều (13/2/1973), đến lân tôi xuống suối lấy nước như mọi lần. Đang ì ạch xách 2 thùng lương khô đầy nước lên tới lưng dốc thì bỗng đâu nghe rèn rẹt 1 quả pháo tăng tầm từ hạm đội bắn vào, đất đá, cây cỏ tung toé bên khe suối. Thêm một hai quả nữa nổ xa hơn xuống dưới thung lũng. Thế mà tôi quăng mất cả 2 thùng nước, rách cả ống quần, tím dập một bên ống khau. Hết pháo, mấy đứa trên đài chạy bổ xuống đón tôi, hoàn hồn, lại cười: “Đếm mấy quả pháo vừa rồi chưa?”

13.2
Đã đi được 3-4 trang nhật kí kể từ ngày ngừng bắn thế mà lại phải ghi cho cái ngày nguyên tố này hai chữ “Hút chết”. Cái trò pháo biển tăng tầm kể cũng bậy, chẳng quả nào ra quả nào mà gây rặt những bất ngờ.

Buổi chiều lại phạm một tội ác. Sao lại ngoan cố đến vậy. Hãy ghi một lần nữa: “Tội ác và trừng phạt”. -108. (Q.2-Tr.)


Đài 108 chỉ có mấy người, lại gần hậu cứ nên không được trang bị vô tuyến. Chúng tôi liên lạc với đại đội bằng hữu tuyến nhờ chiếc điện thoại Trung Quốc, loại quay “maniven”, không dùng pin. Mỗi lần sử dụng phải có 2 người, một người quay “maniven” để sinh ra điện còn người kia nghe và nói.

Ngày 23/2 tôi nhận được điện báo có ông Ngọc lên đài. Tôi đã nghe kể nhiểu về ông nhưng chưa bao giờ gặp nên cũng hồi hộp. Sáng sớm, tôi xuống chân núi đón ông. Tôi không còn nhớ ông Ngọc là thiếu tá hay trung tá, nhưng là phụ trách phòng 2 của mặt trận B5. Lần ấy ông đi thị sát khu vực Ái Tử, ven thành. Tôi rất nhớ ông vì ông gầy đến dị thường. Tôi thật sự bất ngờ khi ông cầm lấy cây bút chì trên tay tôi và lia mấy nét chì binh địa sơ đồ vùng ven thành, nom thật sự điêu luyện và đáng phục.   

Lần này tôi xuống Ái Tử trong một cảm giác hoàn toàn khác so với lần đầu, hồi cuối Bảy Hai. Đã chinh chiến, dạn dày hơn nhiều, nhưng vẫn thấy một cảm giác lâng lâng, rạo rực dù mới xa Ái Tử không lâu. Đang xuân, đã thấy rau má và rau tàu bay phốp pháp nhoi lên trên miệng những hố bom. 

Ngay tối đi thị sát khu vực Ái Tử về, tôi nhận được lệnh c20 cho cả đài rút về hậu cứ. Ngày 24/2/1973, chúng tôi “liên hoan” một bữa bún và lương khô 72, tạm biệt những người bạn trinh sát pháo binh láng giềng, tạm biệt 108 mà tôi hay đùa là đầu hói 108. Ba tuần ngắn ngủi, êm đềm, như một nốt lặng đơn trong bản hoà tấu hối hả, dồn dập những nốt ba, nốt kép.

23.2.1973
Trở lại thăm vùng ven thành. Đất của bom đạn và máu. Vẫn cái xác thằng thám báo nằm ở vệ đường.
Tối, nhận lệnh rời khỏi “chóp”. Giai đoạn êm đềm, ngắn ngủi chấm dứt. -CĐ 108. (Q.2-Tr.)
Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #68 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 11:05:22 am »

10 Những câu chuyện miền Đông

Kể từ sau Hiệp định Bảy Ba, đã không còn bom giội, nhưng tiếng súng bộ binh vẫn chưa thực sự ngưng trên chiến tuyến. Lính bộ binh nếu không phải chốt sát địch đã nhúc nhắc rời hầm kèo chữ A để lên nhà âm cho rộng rãi, thoáng đãng hơn. Lính cậu C20 còn “vương giả” hơn hẳn, rời bỏ cả hầm chữ A, cả nhà âm ở Cao Hy, kéo quân về Quất Xá, một làng nhỏ trù phú ven đường 9, đầu làng tới cuối làng lêu đêu những thân cau cao, thẳng đuốt đuột. Được ở chung với dân, lại được ngủ giường, trải chiếu ni-long hoa sặc sỡ, nghe bọ mạ kể chuyện thời “Cộng hoà”, đùa với con trẻ và làm duyên làm dáng với mấy o du kích, như chưa hề có bom đạn, chiến tranh.

Tôi được gọi từ cao điểm 108 về Quất Xá để chuẩn bị cho khá nhiều công việc liên quan tới binh địa. Trước mắt là chuẩn bị tiền trạm, chọn chỗ thích hợp cho đơn vị di chuyển lên ở sát chiến tuyến hơn. Tôi vác bản đồ bám đường 9, xuôi sông Hiếu, cầu Đuồi, hướng về Đông Hà, rồi ngược sông Thạch Hãn, bám quốc lộ 1, đi về phía Nhan Biều, Ái Tử.

Đang dở dang đợt tiền trạm, nhấp nhỉnh dò trên bản đồ, háo hức nghĩ đến Đông Hà thì tôi lại bị gọi ngược về đại đội nhận lệnh gấp. Cũng ngẩn ngơ tiếc. Nhưng sau khi nhận nhiệm vụ chi tiết của đợt công tác mới thì nỗi vui sướng tưởng như nghẹt thở. Tôi sẽ có một chuyến thị sát đầy hứa hẹn về miền Đông với một sứ mệnh lịch sử và quan trọng.

2.3.1973
Người ta xếp vào bản nhạc thời gian của mình, kể từ ngày rời 108, rặt là những nốt móc kép và móc ba, chứ không thấy mặt một dấu lặng nào. -Bờ sông Hiếu.

3.3.1973
Ngày lẻ của tháng lẻ trong năm lẻ. Nhận lệnh chuẩn bị đi công tác vào tuyến trước. Có lẽ 5.3 sẽ đi. -Bờ sông Hiếu.


Sau khi rút khỏi thị xã Quảng Trị (16/9/1972), ta dần dần từng bước bố trí lại lực lượng để ổn định bố phòng trên toàn bộ chiến tuyến. Cho đến ngày ký kết Hiệp định Bảy Ba, chỉ tính đoạn từ mép biển vào đến bờ sông Thạch Hãn, chỉ khoảng chừng 3-4 cây số chim bay, hơn 10 cây số chiến tiến, mà ta phải tập trung tới 4 trung đoàn, trong đó có 2 trung đoàn của f320, một trung đoàn độc lập và 1 trung đoàn của f325. Hiệp định đã ký được hơn 1 tháng, trên có chủ trương nhanh chóng bố trí lại lực lượng cho hợp lý, rút 2 trung đoàn của f320 ra, giao cho f325 ổn định bố phòng và thống nhất chỉ huy trên toàn chiến tuyến.

Một thực trạng éo le đang tồn tại trên chiến tuyến là theo Hiệp định, kể từ 8 giờ sáng ngày 28/1/1973, ngày Hiệp định có hiệu lực, nơi nào có cắm cờ của bên nào thì thuộc về bên đó, “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”. Khi đánh nhau, đâu có phải cứ phía trước là địch, phía sau là đồng đội. Vì thế, khi 2 bên đồng loạt bung cờ lên, ta địch cài răng lược, thậm chí loang lổ da báo. Ở những mặt trận sâu hơn về phía nam, tuỳ theo tương quan lực lượng mà sau Hiệp định hai bên vẫn dùng súng đạn “sửa bản đồ”, ta tố cáo địch “nống”, địch lại kêu ta “lấn chiếm”.  

Nhiệm vụ cụ thể của đợt công tác của chúng tôi về miền Đông là thị sát và xác định thực trạng bố phòng ta-địch trên toàn bộ chiến tuyến sau khi ký kết Hiệp định hơn 1 tháng, chuẩn bị cho các kế hoạch lâu dài, trước mắt là chuẩn bị chuyển giao, bố trí lại lực lượng.

Trưởng nhóm công tác là anh Phi, chính trị viên trưởng đại đội, một người cao lớn, to béo, trắng trẻo, quê Thái Bình, tôi là phó, thêm 2 chiến sỹ “hộ tống”, trong đó có 1 trinh sát thông tin mang theo 1 máy 2 wat.

Chúng tôi hăm hở đi như chạy trên đường 9. Đây rồi, Đông Hà ước ao! Có cảm tưởng nhộn nhịp, sầm uất chẳng kém gì Hà Nội. Có phố xá, dù vẫn ngổn ngang, đổ nát, có hàng ăn, quán phở, góc chợ Đông Hà, dù mới lác đác, lèo tèo. Có nhộn nhịp, ồn ào, nhưng chủ yếu chỉ là màu xanh áo lính, dân còn thưa thớt lắm. Chúng tôi chỉ có một thoáng trưa với Đông Hà rồi dốc xuống Cửa Việt luôn. Nói đến bộ đội Cụ Hồ, đánh Pháp, đánh Mỹ, là nghĩ đến núi rừng Việt Bắc, Trường Sơn, mấy khi lính biết đồng bằng, biết biển. Hiếm lắm. Vì thế được về đồng bằng, đến tận biển sau những tháng ngày núi rừng, thấy bồng bềnh, lâng lâng. Với riêng tôi, không hiểu vì sao, cứ thấy biển là run lên, cuồng lên.

5.3.1973
“Tính tang, tính tình, miền Đông gian lao và anh dũng. Tính tang, tính tình, hăng hái chiến đấu chống quân thù”.

Say mê, hồ hởi đi về Cửa Việt. Hạ du phì nhiêu là của ta rồi.

Đông Hà vui hơn cả trí tưởng tượng. Cả lũ ngơ ngác như ngố rừng vậy.

Biển và sóng. Không phải là Mẹ hiền mà là Cha già (nhẫn nại và khô khan). Không phải là xanh mà là xám.

Cát vô tận và trắng một màu sòng phẳng. ở cát như cảnh du bạt trong sa mạc. Có ở với cát mới hiểu được về cát. Toàn là những hiểu biết mới.

Pháo dũi xuống cát hoen hoen như cái cối lăn thuốc bắc. Miểng hắn dỉ, đỏ cạch nom như rỗ trên da cát trắng mịn. -Chỉ huy sở Trung đoàn 101- Tường Vân.


Chỉ huy sở trung đoàn 101 đóng ở làng Tường Vân. Được trở về với chính trung đoàn thời tân binh Sở Thượng, Nhã Nam, thích lắm. Bây giờ e101 nằm trong biên chế hoàn chỉnh của sư đoàn với tên gọi là Trung đoàn 1, gồm 3 tiểu đoàn 1, 2 và 3, không có tiểu đoàn 5 và 6 như hồi còn là sư huấn luyện tăng cường ở Hà Bắc nữa. Bây giờ các tiểu đoàn 4, 5 và 6 là của trung đoàn 2 (e95) còn các tiểu đoàn 7, 8 và 9 là thuộc trung đoàn 3 (e18). Dù vậy, lính vẫn quen tên gọi gốc là e101, e95 và e18 hơn là tên mới: Trung đoàn 1, 2 và 3.

Ở trung đoàn bộ 101, tôi tranh thủ hỏi thăm, may mắn tìm gặp lại và được ngủ một đêm với Tốn và Chính, bạn cùng lớp Lý B1, cùng c23 xưa, giờ ở c18 (thông tin) của e101. Cánh c23 ở lại e101 hy sinh mất Phải, lớp Lý B1, cánh c24 mất Thạc, lớp Toán A1, đều hy sinh trong những ngày e101 cố thủ cánh Đông cổ thành.

Đêm cát Tường Vân thức trắng, phần vì bâng khuâng hoài niệm, phần vì loay hoay với bọ chét. Giống côn trùng hiếu khách của xứ cát, li ti như vừng đen, lẩn trong cát, nhảy choăn choắt vào võng, đốt ngứa phát điên, phát rồ.

Hôm sau tôi bắt đầu chấm bằng chì đen lên bản đồ điểm khởi đầu của chiến tuyến trên mép nước biển Đông. Tôi bị sốc ngay từ điểm này. Trên bãi cát trắng vẫn còn hừng hực không khí trận chiến ác liệt trước đó mới 1 tháng. Bao nhiêu điều bỡ ngỡ, mới lạ đối với tôi, nhất là những gì liên quan tới đối phương. Trinh sát cần phải nắm. Nghiến ngấu hỏi, nghiến ngấu ghi chép như phóng viên mặt trận.

Nhận thức được tầm quan trọng của quân cảng Cửa Việt, ngay trước ngày ngưng bắn, trước giờ ngưng bắn, địch tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất rắp tâm chớp nhoáng tái chiếm quân cảng Cửa Việt, nằm sâu khoảng 7-8 cây số về phía ta.

Phía địch khi đó là sư đoàn Thuỷ quân lục chiến, thường gọi là lính mũ nồi xanh. Sư đoàn có 3 lữ đoàn, đánh số bằng 9 con số tự nhiên, ghép 3 số theo quy tắc các số liên tiếp cách nhau 3 đơn vị, lần lượt là lữ 147, lữ 258 và lữ 369. Mỗi lữ có 3 tiểu đoàn, cả sư đoàn có 9 tiểu đoàn, đánh số từ 1 đến 9, nhưng mỗi tiểu đoàn còn có một biệt danh riêng: Quái điểu, Trâu điên, Sói biển, Kình ngư, Hắc long, Thần ưng, Hùm xám, Ó biển, Mãnh hổ, toàn tên những hung thần, thú dữ chứ không lấy địa danh, sông núi, danh nhân như binh đoàn Hương Giang, trung đoàn Trần Cao Vân của bên ta.  

Để thực hiện chiến dịch đánh chiếm Cửa Việt trước giờ ngưng bắn, địch thành lập lữ đoàn đặc nhiệm mang tên Tăng-gô, gồm d2, d4, bổ sung một phần quân của d5 và d9, những đơn vị thiện chiến nhất của Thuỷ quân lục chiến, với sự trợ giúp của tàu chiến hạm đội 7 ngoài khơi và cả trăm xe tăng M41, M48 của 2 thiết đoàn Chiến Xa, Kỵ Binh. Trong đêm tối trời 27/1, đêm ngay trước ngừng bắn, thay vì hồi hộp, háo hức đón đợi bình minh hoà bình, chúng đã đồng loạt tấn công các chốt ta từ An Lộng, đến Long Quang, Thanh Hội, hướng thẳng đến Cửa Việt. Thật là dã man! Bắt đầu là những cơn mưa bom và pháo, tiếp sau là xe tăng và lính “Trâu Điên”, “Kình ngư”, “Mãnh Hổ” ào ạt tràn sang ta. Phía ta là e48, e64 của f320 ở phía An Lộng, Long Quang và e101 của f325 giữ Gia Đẳng, Tường Vân, Thanh Hội, sát biển. Ta và địch giằng co từng công sự, từng mét cát. Địch chủ động, bất ngờ và tập trung lực lượng nên đã lấn được khá xa dọc theo mép biển vào đất ta. Vào thời điểm Hiệp định được tính là có hiệu lực, vài nhóm Thuỷ quân lục chiến đã chiếm được một số vị trí của quân cảng Cửa Việt. Hiệp định có hiệu lực từ 8 giờ sáng 28/1, nhưng chiến sự quanh Cửa Việt còn kéo dài thêm mấy ngày sau.

Đòn dứt điểm của ta giáng xuống “Tăng-gô” của Thuỷ quân lục chiến là vào sáng sớm 31/1. Pháo 122, 130 ly và H12 đồng loạt dội lửa xuống các cụm chốt lấn chiếm, tạm bợ, bơ vơ của Thuỷ quân lục chiến men bờ biển. Sau gần 1 tiếng pháo kích, bộ binh ta tràn lên truy quét, đồng thời một bộ phận khác chốt chặn không cho địch tháo chạy về phía nam. Đến khoảng 10 giờ sáng ta chủ động ngừng súng cho địch thu dọn tử sỹ và chừa cửa cho tàn quân địch tháo chạy về Thanh Hội, trả lại ranh giới trước đêm 27/1.  

Tôi bồi hồi nghe anh em e101 kể lại trận chiến xảy ra mới hơn 1 tháng trước đây, ngay trên dải cát tôi đang đứng và tranh thủ ghi chép các thông tin về đối phương. Xác xe tăng địch còn chình ình, la liệt trên bãi cát. Quần áo tô-châu bạc phếch của lính mình phơi lật phật ngay trên nòng pháo tăng M41, M48. Một trong những chiếc M48 bị ta bắt sống đã được mặt trận B5 tặng chủ tịch Phidel của Cu-Ba khi ông đến thăm Quảng Trị nửa năm sau đó.

Thật tình cờ và may mắn, ngay trước hôm chúng tôi đến Thanh Hội, ngày 5/3, lính tăng ta vừa bắn hạ một chiếc tàu biệt kích địch cách bờ không xa. Thuỷ triều xuống, xác con tàu biệt kích còn kềnh cang, nửa nổi, nửa chìm sát bờ. Tôi đứng bâng khuâng rất lâu trên bãi cát đầu chiến tuyến, nhìn pháo địch đang thì thùm, quả toé nước, quả bung bụi cát, như trẻ con chơi đáo, chơi quay, cố kiết phi tang con tàu đã rã rượi, nát bươm.

6.3.1973
Một tên cướp biển đền tội. Pháo địch thổi tung lên những lùm bụi cát nâu và trắng hòng phi tang tên kẻ cướp. -Tường Vân.

Đêm ngủ với Tốn. Vẫn cái vẻ vững chãi, già dặn, chắc chắn như xưa. Tuổi hay là cá tính. Nhớ Đại học tổng hợp. -Tường Vân.


(Còn nữa ... )
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tám, 2010, 11:24:56 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #69 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 11:08:45 am »

(Tiếp theo)

Điểm đầu tiên của chiến tuyến bắt đầu từ những hầm chốt của bộ binh e101 trên bãi cát trắng làng Thanh Hội. Đây là điểm cực bắc của ranh giới địch - ta, không chỉ tính cho mặt trận Quảng Trị mà cho toàn mặt trận miền Nam sau Hiệp định Bảy Ba. Đã biết bao hy sinh trong gần 20 năm trời để thay con sông Bến Hải và vĩ tuyến 17 bằng chiến tuyến mới, nhích sâu hơn về phía nam, khẳng định những vùng giải phóng rộng lớn mà nơi tôi đứng, Thanh Hội, chính là điểm bắt đầu. Từ Cửa Tùng theo bờ biển Đông về phía nam, qua Cửa Việt, đến Thanh Hội, chỉ hơn 10 cây số bờ cát nhưng là biết bao gian khổ, hy sinh, gắn với những địa danh, những mốc thời gian: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, đường Chín-Nam Lào, Quảng Trị-Bảy Hai. Kể từ đây, chỗ tôi đứng, điểm tôi hạ bút chì trên bản đồ, không biết đường chia ta-địch ấy còn kéo dài bao nhiêu nghìn cây số nữa, vòng lên Trường Sơn, Tây Nguyên, rồi xuống mãi cực nam, bưng biền.

Miền Đông, Triệu Phong, cát trắng loá mắt. Cát cũng như nước, mênh mông, vô định, lấy đâu làm điểm mốc. Địch đã kịp dựng hàng rào, cột sắt, căng dây thép gai để phân cách chiến tuyến. Sau thất bại Tăng-gô, địch “bằng lòng” với hiện trạng, dựng rào sợ ta “lấn chiếm”. Hiển nhiên là có la liệt mìn dưới những trảng cát trắng mịn tưởng như vô tư ấy. Chúng tôi đi theo chỉ dẫn chặt chẽ tới từng bước chân của các đồng nghiệp trung đoàn và lính chốt. Thật sự thú vị khi thấy nhiều chỗ cờ mặt trận sao vàng nửa xanh nửa đỏ của ta được cắm “nhờ” trên cột rào thép gai của ngụy và còn lãng mạn hơn khi đôi chỗ cờ mặt trận của ta và cờ tam tài 3 sọc vàng của ngụy được buộc trên cùng một cột rào, bay chung theo một làn gió biển. Tôi thật sự xúc động.

Trên miền Tây, núi rừng, như Phương Thuý bữa nào, dù có Hiệp định thì cũng chưa chắc 2 bên nhìn thấy mặt nhau. Nhưng trên các bãi cát Triệu Phong thì khác hẳn, ta địch gần nhau, lồ lộ, nhìn rõ từng nốt ruồi của nhau. Sau ít ngày lính tráng tự do, phía ta quy định, chỉ cán bộ đại đội trở lên mới được phép giao tiếp với địch, phía địch cũng chỉ cho sỹ quan tâm lý chiến được phép tiếp xúc với “Cộng sản”. Quy định này có vẻ vì lý do “quân cơ” thì ít, mà chủ yếu để tránh chuyện lính trẻ 2 bên rào lời qua tiếng lại, bồng bột quá đà dễ thay lời bằng súng đạn.

Tôi chỉ là a trưởng quèn, nhưng lại ở cấp sư đoàn. “Lính tiểu đoàn hơn quan đại đội”, nên coi như nằm ngoài quy định, tôi được phép giao tiếp thoải mái với đối phương. Tôi có nói chuyện vài lần với phía ngụy.
Còn ghi lại trong nhật ký và đáng nhớ là câu chuyện bên cọc rào trên chốt vùng giáp ranh e101 và e64 của ta với một sỹ quan ngụy, tự nhận là thám báo, tên Buông. Thám báo với thám báo, tôi nhớ đến câu tục ngữ Anh: “Đừng hỏi thì khỏi phải nghe lời nói dối” và cố ý lái cho câu chuyện không có dáng dấp khai thác hay tuyên truyền. Chỉ những chuyện con người với nhau mà chủ yếu là tôi tò mò hỏi về sự học hành trong Nam và kể về sự học hành ngoài Bắc. Thì ra sự học của hai miền thời ấy khác nhau nhiều. Buông khoe vừa đỗ tú tài thì vào lính. Vẫn biết tú tài là hết phổ thông, nhưng với tôi lúc đó, quả thật khái niệm “tú tài”, “cậu tú”, nghe như chuyện xưa, thoáng chút cao xa. Tôi chưa nhìn thấy “tú” bao giờ, lớn lên chỉ nghe người lớn nói một cách tự hào: Làng mình xưa có 2 tú, tú Mùi, tú Sen, nhưng đều theo Tây vào Nam năm Năm Tư. Khi “tú Buông” biết tôi đã học hết năm thứ nhất đại học, ngành Vật Lý, chuyện trò hai bên sòng phẳng, cởi mở hơn.  

7.3
Một ngày lịch sử xảy ra trong một giai đoạn đáng nhớ. Hai chế độ ở hai bên của một lớp rào bùng nhùng, sơ sài, vô nghĩa. Cờ cắm chung trên những cọc rào. Những người thù nhau nhìn nhau bình thản, tự nhiên.
Thật là kì lạ.

Tiếp xúc với Buông, thám báo của VNCH. Có biết bao nhiêu điều cần ghi nhớ về cuộc nói chuyện ấy. Rồi nữa, lại nói chuyện với bọn TQLC của C2-D9-L147. Những suy nghĩ sâu sắc về lí tưởng của con người. -Chỉ huy sở Trung đoàn 64.


Chính trị viên bên ta hay sỹ quan tâm lý chiến bên địch là một chuyện, họ nói có bài bản, chặt chẽ, có sức thuyết phục, có bẫy, có chốt. Còn binh lính 2 bên sát rào lại là chuyện khác. Tào lao, tò mò chuyện phong tục, nắng mưa, que diêm, điếu thuốc, bữa cơm, toe toét cười, không nhằm phải trái, thắng thua. Vì vậy, phía ngụy có chủ trương thường xuyên thay quân chốt, hoán đổi tuyến trước, tuyến sau. Bọn mới lên chốt sát rào hừng hực, cảnh giác, căng thẳng, nòng súng đằng đằng hướng sang phía bắc. Được ít ngày, quen dần, chùng bớt thì lại chuyển về tuyến sau hay chuyển đi chốt khác. Đúng là chuyện nhà binh.

Tính từ mép nước Thanh Hội, bắt đầu là các chốt của e101 thuộc sư đoàn chúng tôi, tiếp sau là các chốt của 3 trung đoàn thuộc các sư đoàn bạn. Chúng tôi không được kéo một mạch theo chiến tuyến mà phải đi zic-zắc. Đầu tiên phải đến trung đoàn bộ liên hệ, rồi xuống tiểu đoàn, xuống đại đội, cuối cùng mới đến chốt tiền tiêu đầu tiên của trung đoàn. Đi dọc chiến tuyến, chốt tiếp chốt, cho đến hết địa phận trung đoàn này thì lại rời chiến tuyến để vào chỉ huy sở trung đoàn tiếp sau. Lại liên hệ từ trên xuống, rồi lại quay ra chiến tuyến đi tiếp từ phần đã dừng hôm trước. Trên thực tế cũng như trên bản đồ, chiến tuyến không thể đứt đoạn. Phía ta, tính từ mép nước, sau e101 là e64 rồi e48, cùng của f320, qua sông Vĩnh Định, lên vùng Bích La, sát sông Thạch Hãn là các chốt của e27 bộ đội địa phương Quảng Trị. Phía bên kia chiến tuyến, ngoài sát biển là các tiểu đoàn của lữ 258, phía trong là d9 rồi d2 của lữ 147, đều của sư đoàn Thuỷ quân lục chiến.

Tôi ghi nhận nhiều sự khác nhau suốt dọc tuyến. Sự khác nhau về địa hình của Triệu Phong, từ mênh mông cát trắng vùng ven biển, qua sông Vĩnh Định rồi lộ 4, vào san sát ruộng đồng, làng xóm bên trong. Sự khác nhau về dân cư, nơi ven biển thưa thớt, ngư dân sống xa chốt, đến mấy làng vùng An Lộng theo đạo Thiên chúa, thỉnh thoảng vẫn có người vượt chốt vào nam, về Bố Liễu, Bích La là làng xóm, chợ búa, trù phú, đông đúc, đêm trăng nghe rộn tiếng trống cà rình như thời “hoà bình mới lập lại” ở ngoài Bắc.

Khoảng nửa năm sau, cuối tháng Chín, tôi lại có dịp trở lại An Lộng và đã có một kỷ niệm nho nhỏ, vui vui. Lần ấy, anh Ngơi tin tưởng giao cho tôi tờ giấy giới thiệu của sư đoàn: “Trung uý Đinh Ngọc Ngơi, đại đội trưởng trinh sát sư đoàn, đi chuẩn bị địa hình dã ngoại cho đơn vị” và bảo tôi chọn lấy một “cậu liên lạc” tháp tùng. Tôi chọn An đi cùng, vừa thân, vừa thuộc miền Đông, mặc dù An không phải quân a8. An và Hùng là 2 lính gốc e101, bổ sung lên c20 sau mùa hè Bảy Hai. Cả 2 là dân Hà Nội “gốc”, Hùng trắng trẻo, nhẹ nhàng, thư sinh, nhà ở Đặng Trần Côn, vì thế có biệt danh Hùng Côn, còn An đen và gầy, nhà ở Hàng Thiếc. Cả 2 đều là sinh viên xây dựng, nhập ngũ đợt 27/5/1972, cứ như 2 nhân vật Gân Bò và Dây Thép trong truyện Bí mật lâu đài rắn lông chim, nom rất cọc cạch nhưng lại rất thân nhau. Nhóm 6/9/71 coi Hùng và An là “Những người bạn của nhóm”. Tôi giải thích rõ nhiệm vụ để An vào vai cho chuẩn. Đi đường thì mày-tao, tôi đeo AK, An vác ruột tượng gạo, tỵ nạnh thì đổi lại, nhưng đến nơi nào cần trình giấy giới thiệu liên hệ thì An vào vai liên lạc, phải thầu cả ba-lô, súng đạn, cả gạo, lo cơm nước, mắc màn, còn tôi thì chững chạc trong vai đại trưởng trinh sát sư đoàn, sắc-cốt bên hông, tênh tênh.

Trở lại e101 thì suôn sẻ, trung đoàn cũ của cả 2 đứa, không  cần cả đến giấy giới thiệu. Nhưng đêm về ngủ An Lộng, đúng xóm nhỏ nơi tôi đã dừng chân nghỉ trong đợt đi thị sát chiến tuyến, thì gặp chuyện rắc rối. Ông thôn trưởng đọc giấy giới thiệu rồi xoi xía tôi từ đầu đến chân: Trung úy  thám báo chi mà non chợt.  Nghi lắm.

Thế là tôi và An bị bắt, hay nói đúng ra là bị tạm giam lỏng, chờ điều tra. Tôi cố thanh minh với ông trưởng thôn rằng tôi nói giọng bắc, rằng hồi tháng 3 đã từng ngủ ở chính thôn này, nhưng ông hỏi ngủ nhà ai, xóm nào thì đáng tiếc tôi không nhớ. Đành bảo An mắc võng cho “đại trưởng” ngủ sớm. Tôi nằm trên võng vờ ngủ, nghĩ thật dại, chuyện chỉ như đùa mà không khéo rách việc, còn An ngồi huyên thiên xích đế với chủ nhà: Biệt động từ hồi thiếu niên đấy, khét tiếng đấy, không non chợt đâu!

Đêm đó, đêm hạ tuần tháng 8 âm lịch, du kích phát hiện có một nhóm người trong thôn chạy qua chốt sang ngụy. Suốt đêm du kích ra vào nhà thôn trưởng báo cáo, xin ý kiến. May quá, tôi nhìn qua màn và nhận ra o du kích mà hồi tháng 3 chúng tôi đã nghỉ ở đúng nhà o. Thế là được o du kích giải oan, thoát nạn. Hôm sau lại quân dân vui vẻ, nhưng ông thôn trưởng vẫn thì thầm với An: “Trẻ quá, hé!”.

21.9
Lại qua Chợ Sải, Bích La, Hà Mi. Và lại về ngủ nơi xóm nhỏ An Lộng. Đêm trước, 15 người của xóm này đã vượt chốt sang với ngụy. Giữ được dân quả là khó. Biết được tấm lòng họ ở đâu? -An Lộng.


Một trong những nhiệm vụ của tôi trong đợt công tác 3/1973 là nhận xét về bố phòng đôi bên, kể cả tinh thần, thái độ, khí thế. Chốt mỗi trung đoàn có dấu ấn riêng, nơi thì bề thế, hiên ngang, nơi khác lại kín đáo, chặt chẽ. Có chốt bám sát chiến tuyến, khăn mặt phơi trên chính dây thép gai của hàng rào, nơi khác lại lùi xa, thủ thế, chốt cách xa nhau cả tầm đạn bắn. Ta - địch, có nơi bên cương bên nhu, có nơi cương cả, căng như dây mí đàn ghi-ta.

8.3
Mật độ bố phòng ở vùng của D2-L147 có vẻ dày đặc, cả về quân số lẫn chiến xa và hoả lực. Chốt ta có nơi còn quá xa hàng rào. Địch ở vùng gần sông rất nhượng bộ.

Một cuộc sống mới đang phôi thai ngay sau chiến tuyến không xa. Có lẽ đây là tái cảnh của quê ta hồi 1955. -Chỉ huy sở Trung đoàn 48, Lệ Xuyên Đông



(Còn nữa ...)
Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM